 Nhà giáo,
chuyên gia tiếng Pháp,
Viên Khoa học giáo
dục
… Nhớ hôm nào chúng tôi còn nhắc nhau đúng một tháng nữa
thì về nước, thế mà ngày mai đã là 19 tháng 12 rồi. Khu học xá sẽ tổ chức lễ
tiễn đưa học sinh tốt nghiệp về nước phục vụ cùng với ngày kỉ niệm toàn quốc kháng
chiến. Ngày về càng gần, tình tập thể càng gắn bó. Mấy hôm nay, các bạn lớp
khối khác tíu tít đến thăm chúng tôi. Cuốn sổ ghi lưu niệm đã kín nhiều
trang. Báo của khu đoàn tập trung viết những bài chuẩn bị cho ngày về của
chúng tôi. Các cán bộ Trung Quốc dồn sức cho việc chuẩn bị vật chất, cả Khu
học xá chăm lo cho đứa con đầu lòng rời Mẹ về Tổ quốc phục vụ.
Ngày 19 tháng 12 năm 1952, toàn khu tập trung dự mít tinh.
Khán đài khánh tiết trang nghiêm. Hôm nay, khóa chúng tôi được dành một khu
riêng gần khán đài. Buổi lễ khai mạc trọng thể. Đến phần nhà trường và đoàn
thể lên căn dặn, đồng chí đại diện Tổng vụ khoa lên phát biểu. Tôi không quên
lời căn dặn của đồng chí.“ Ngày mai các bạn về nước để phục vụ nhân dân .
Chúng tôi nhớ các bạn nhiều, yêu cầu của kháng chiến là trên hết. Tôi chúc các
bạn luôn mạnh khỏe và tiến bộ để phục vụ được nhiều, để Hồ Chủ tịch được vui
lòng…”Lần lượt các đại biểu lên căn dặn. Đại diện các em thiếu nhi lên chúc
các anh, chị giáo sinh lên đường mạnh khỏe, bình an và ngụy trang cho kín để
tránh máy bay.
Cuối cùng anh Nho, Giám đốc khu KHX lên huấn thị, tặng
chúng tôi huy hiệu KHX có ghi lời dạy của Bác Hồ. Chúng tôi đứng lên ,nhìn
huy hiệu đeo trước ngực. Dưới ánh đèn sáng rực, chân dung Người như đang trìu
mến nhìn chúng tôi. Thực vậy, không có Bác, chúng tôi làm gì có được như ngày
hôm nay, được học hành chu đáo, được rèn luyện để trở thành người công dân
tốt trong xã hội mới.
Anh Song, đại biểu đoàn thể lên đọc lời hứa của đoàn giáo
sinh về nước phục vụ. “Quyết tâm ! quyết tâm !”, tiếng hô vang dậy. Tiếng hô
từ đáy lòng chúng tôi. Nhìn lên kì đài , lá cờ đỏ sao vàng phấp phới với lá
cờ đỏ 5 sao. Phía dưới, chân dung 3 vị lãnh tụ: Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông,
Staline .Các thầy cô một năm nay đã dốc lòng dạy bảo chúng tôi. Các anh chị
cán bộ công nhân viên, cấp dưỡng yêu mến chúng tôi như ruột thịt. Các em
thiếu nhi khối cấp I cùng chúng tôi quây quần hàng ngày. Tất cả như bừng lên
một niềm tin tưởng ở chúng tôi, lớp giáo sinh đầu tiên về nước. Chúng tôi
được sống giữa tình yêu thương đằm thắm. Chúng tôi tự nhủ phải quyết tâm khắc
phục mọi khó khăn trở ngại để xứng đáng với niềm tin yêu đó.
Ngày về thật nhộn nhịp. Hôm qua, Nam Ngọc Ánh ( bạn tôi ở
khối 6) đã đến để chuẩn bị cho tôi, xem lại đôi dép cao su và cho tôi 3 cái
rút dép để dùng khi đi đường. Ánh còn sắp xếp lại ba lô cho tôi vì tôi vốn
vụng về. Em Nhân (em kết nghĩa với tôi) đến “gia cố” quai ba lô cho chắc và
khâu cho tôi cái túi đựng bút. Chị Thảo (chị cấp dưỡng) cho tôi lọ dầu cao và
gói quà ăn đường. Cửa ra vào đông nghịt người. Các cán bộ Trung Quốc, các
thầy , các bạn ở các khối đến thăm. Sống trong tập thể đầy tình yêu thương
khiến cá nhân phải suy nghĩ nên sống làm sao cho xứng đáng.
Sáng ngày 22 tháng 12 năm 1952, chúng tôi lên ô tô ra Nam
Nịnh. Ở bãi tập kết, các bạn đã ra tiễn, ba lô trên vai, chúng tôi lên xe như
đoàn quân xuất trận. Cảm thấy rất vinh dự. Nhớ nhung lắm song lại pha chút
lãng mạn coi mình như người tráng sĩ xin ra trận tiền chiến đấu quyết tử với
kẻ thù. Chúng tôi vẫy tay từ biệt người ở lại.
Sân ga Nam Nịnh nhộn nhịp khách hàng. Tiếng loa báo còn 20
phút nữa tàu khởi hành. Chiếc ô tô chở các cán bộ Trung Quốc và các đại biểu
cũng vừa đến. Các thầy, các cán bộ đến ngồi cạnh chúng tôi, tôi đưa sổ lưu niệm
cho anh Voòng (một cán bộ Trung Quốc ở Tổng vụ khoa) viết. Dưới mấy dòng chữ
Hán, anh Voòng kí tên bằng tiếng Việt. Anh còn xem lại cái ba lô của tôi đã
gọn gàng chưa. Tôi muốn thời gian kéo dài thêm nữa. Một nỗi nhớ trào dâng,
nhớ thầy cô, nhớ bạn bè, nhớ tất cả mọi cảnh vật. Tôi lại nhớ đồng chí Pan
(cấp dưỡng người Trung Quốc ở bếp lớp tôi). Sáng nay, mắt đỏ hoe, lần lượt
bắt tay chúng tôi và đi tiễn chúng tôi cho đến khi ô tô chuyển bánh mới trở
về. Nhớ các anh “Giải phóng quân” luôn ngày đêm canh gác bảo vệ chúng tôi.
Nhớ các anh, chị cán bộ Trung Quốc tận tâm phục vụ, nhớ em thiếu nhi Trung
Quốc bên cạnh nhà tôi ở. Tôi triền miên trong niềm suy tư. Còi tàu lanh lảnh,
tàu từ từ chạy, dưới sân ga, những người ở lại rút mùi soa vẫy. Chúng tôi
cùng hát vang bài ca “Ta vui với giờ lên đường”.
Bóng các đồng chí ở sân ga nhỏ dần. Thành phố Nam Ninh đã
vào một ngày hoạt động. Nhìn cảnh tưng bừng kiến thiết của nước bạn sau chiến
tranh giải phóng dân tộc, cuộc sống ngày một tốt đẹp của chế độ mới, chúng
tôi rạo rực mong chóng được trở về Tổ quốc để góp phần vào cuộc kháng chiến
của dân tộc. Rời khỏi thành phố, tàu tăng tốc độ, Nam Ninh xa dần… Sáu giờ
chiều, tàu tới Bằng Tường. Ngày sang, Bằng Tường còn hoang vắng mà nay đã khá
tấp nập, càng thấy công sức của nhân dân là vĩ đại. Tối nay là tối cuối cùng
trên đất bạn, chúng tôi nghỉ sớm để sáng mai về Nam Quan. Đường xe hỏa đã làm
xong, song chúng tôi đi ô tô về biên giới. Nam Quan cũng đã được xây lại đẹp
đẽ. Chúng tôi xuống xe, chuẩn bị ngụy trang để hành quân về Bắc Sơn. Phía
Đồng Đăng, tiếng máy bay ầm ầm. Hai chiếc “spit fire” đang lượn tìm mục tiêu
oanh tạc. Đất nước đang gian lao kháng chiến. Nhìn lại, nước bạn đang tưng
bừng kiến thiết.
Tạm biệt đất nước Trung Hoa, đã nhường cơm, xẻ áo nuôi
dưỡng chúng tôi. Mai đây khi kháng
chiến thành công, người dân Việt, người Trung Hoa cũng như toàn thể nhân
loại tiến bộ sẽ cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, dân chủ và hạnh phúc.
Huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, 11/1953 (Trích hồi kí dự thi nhân tháng Hữu
nghị Việt- Trung –Xô tháng 1 năm 1954 do Ty Văn Nghệ và tuyên truyển tỉnh Phú
thọ tổ chức)
|