Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017





 Ngày 31 tháng 3 nam 2017
                             Thân gửi các ban KHX
         Nhờ con cháu báo giúp bố me, ông bà Khu Học Xá
         Như đã thông báo, bắt dầu từ nay ( 3/2017 ), cứ vào đầu mỗi tháng, Ban liên lac Khoa SPĐB 1952 Khu Học Xá sẽ đưa Bản tin Chùm Hoa Đầu Mùa trên email và trên facebook chỉ là  .facebook.com/groups/KHOASPDACBIETKHUHOCXA1952/
Số này 4/ 2107. này sẽ gồm có:
      1/ Tin nội bộ
     2/ Giới thiệu cuốn “ Một thời nhớ mãi - lưu bút tuổi 80, gồm các bài tự sự của các ban. Đọt này là 1/ “
Những lần được gặp Bác Hồ “ của Đỗ Mông Châu. 2/ Giũ trọn lời hứa với Khu Học Xá “của Đoàn Đình Tỉnh 3/Tình bạn khóa ta“ của Nguyễn Vĩnh Long 4/ “ Điều tâm đắc của tôi về công nghệ giáo dục” của Nguyễn Trung Chính
         4/ Tu liệu tham khảo hay “
                         Toàn cầu hóa, tiếp tục hay quay đầu?
Nguyễn Tường Bách

Trên báo Kinh tế Sài Gòn, Thứ Bảy,  28/1/2017,)  – do ban Hoàng Ngọc Cẩn cung cấp
          Trước ngày 25 mỗi tháng các bạn và các cháu gửi thông tin hoặc tu liệu hay trên emai cho BLL. Chúng tôi sẽ phổ biến cho mọi bạn bè cùng biết.để gắn bó với nhau
                           Mòi các bạn, các cháu đón xem các file dưới dây
                                                                             Ban Liên lac/ Trần ích
  Tin nội bộ
1/ Anh Nguyễn Đằng Kiêu 90 tuổi sau nhiều lập nhập viên, trước Tết đã vè dièu trị tại nhà. Anh phải thở oxy, mở nội khí quản (đeo ống ở cổ để hút đờm dãi, nên ống đó chặn ngang thanh quản, không thể nói được.và sinh hoạt tại chỗ. Ban liên lac đã đén thăm
2/ Nghê sĩ Ưu tú Nguyễn Duy Đình, cáp cứu tim mach hôm 7/3. Đã phải dăt 2 ông sten trong tim , sau hơn 1 tuần nằm việc đã xuát viên, nay tạm ổn định
3./ Tuy đã tích cực chuản bị dén họp xuân với lớp dịp Tết, nhưng Anh Nguyễn Quân Hiệp phải năm bênh vien E do hen xuỹên, một bênh khó tính. Anh còn gửi lại tặng các ban bản nhạc dã sáng tác năm 2016
4/ Vừa qua chúng tôi mới nhận dược tiên dóng góp quĩ 500 000đồng của các bạn Phạm Quang Trụ, Trần Kim Minh, Tô Đằng. Xin hoan nghênh
Ban liên lạc


                                                               Đỗ Mộng Châu
     
       Tôi viết những dòng này vào dịp sắp kỷ niệm sinh nhật Bác. Sinh thời Bác, tất cả chúng ta đều có một mong ước cháy bỏng là được gặp Bác ít nhất một lần, dù đứng cách xa nhưng được ngắm nhìn Bác là đã thỏa lòng mong ước lắm rồi.
 Tôi nhớ khi mới được cử ra dạy học ở trường Thiếu nhi Việt nam tại Khu học xá trung ương (Nam Ninh, Trung quốc), có lần được tin Bác nhân dịp qua Trung Quốc về nước sẽ ghé thăm Khu học xá. Toàn khu nao nức chuẩn bị đón chào Bác, nhưng cuối cùng lại được tin là Bác vì bận việc phải về nước ngay nên không vào thăm Khu học xá được. Ai nấy đều tiếc dịp may hiếm có này. Riêng tôi nghĩ với danh phận như mình thì chắc chẳng còn có dịp nào được gặp Bác.
 Mùa hè năm 1955, tôi được lệnh cùng một anh nữa tên là Hòa về Bộ giáo dục ở Hà nội nhận một công tác đột xuất. Về đến Hà nội, chúng tôi được anh Hân, Chánh văn phòng Bộ lúc đó giao nhỉêm vụ là chuẩn bị trong 2 tuần nữa sẽ đón tiếp 150 em thiếu nhi, con em các chiến sĩ cách mạng, sang học tại CHDC Đức. Theo kế hoạch,cuối tháng 8 năm đó, các em sẽ lên đường. Chúng tôi không phải chỉ có nhiệm vụ cùng một số cán bộ nhân viên của Bộ chuẩn bị đón các em về vật chất, mà cái chính là trong vòng 2 tháng trước khi các em lên đường phải làm sao cho các em hiểu rõ nhiệm vụ khi sang học bên nước bạn, hiểu qua về nước Đức lúc ấy còn bị chia cắt, về đất nước Việt Nam mình qua những câu chuyện kể về địa lý, về lịch sử hào hùng của dân tộc, lại phải dạy các em một số bài hát, điệu múa cùng một số điều cần biết khi ra nước ngoài v.v…Tôi cùng anh Hòa gấp rút làm một đề cương “giáo dục” theo hướng đó, tôi liên lạc với anh Lê Đình Lực, bạn thân của tôi, cùng một vài bạn nữa giúp chúng tôi về mặt văn nghệ.
Sắp đến ngày lên đường, tôi lại nhận được nhiệm vụ cùng một vài anh nữa sang CHDC Đức cùng các em học sinh để cùng các đồng chí bạn giáo dục các em trong thời gian các em học ở Đức. Tôi nhớ trước ngày lên đường mấy hôm, đồng chí Hoàng Quốc Việt, khi ấy là Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt nam, đến thăm các em. Nhân dịp này, tôi “xui” một em học sinh nhỏ ngồi cạnh tôi, nói với bác Hoàng Quốc Việt xin phép cho các em được găp Bác Hồ trước khi các em sang nước bạn học tâp. Bác Hoàng Quốc Việt nói Bác Hồ rất bận, không biết có thì giờ cho các em được gặp không, nhưng bác hứa sẽ chuyển điều mong mỏi của các em lên Bác Hồ. Chỉ còn 2 ngày nữa là lên đường. Chúng tôi chắc không còn có dịp được gặp Bác Hồ nữa.
Tôi nhớ rõ buổi tối ngày thứ bẩy cuối tháng 8 năm đó, khi chúng tôi và các em đang xem một vở cải lương ở nhà hát Hồng Hà, thì tôi được một đồng chí đại diện bộ giáo dục cho biết tin 7 giờ sáng chủ nhật ngày hôm sau, Bác Hồ sẽ cho các cháu và những người cùng đi với các cháu vào Phủ Chủ tịch gặp Bác. Tôi mừng quá, nhưng vì quen tác phong giữ bí mật nên tôi chỉ báo riêng với mấy giáo viên khác biết tin đó, còn các em học sinh thì chưa báo gì vội. Chúng tôi chỉ nói với các em sáng hôm sau phải dậy sớm, điểm tâm xong thì ăn mặc sạch sẽ gọn gàng để…có chuyến đi tham quan, một điều mà tuần lễ nào cũng vẫn thường được tổ chức ! Một vài em lấy cớ “mệt” không muốn đi vì còn muốn đón bố mẹ đến thăm. Nhưng chúng tôi không cho phép và “bắt buộc” mấy em này phải đi !
 Dạo đó các em ở trong một vài lớp học của trường Chu Văn An. Từ đấy sang “Cổng đỏ” của Phủ Chủ tịch chỉ cần mươi phút. Vào trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, nhiều em lớn đã đoán ra sẽ được gặp Bác. Lúc này chúng tôi cũng không dấu các em tin vui đó nữa. Một đồng chí cán bộ Phủ Chủ tịch ra đón chúng tôi, đưa chúng tôi vào một căn phòng rộng và dặn các em phải giữ trật tự, không được chạy ra sát bên Bác. Các em đứng thành một vòng tròn. Mấy phút sau, cửa phòng bên mở. Chúng tôi trông thấy Bác bước vào phòng, râu tóc bạc phơ, mặc bộ quần áo lụa mầu nâu. Các em reo ầm lên “Bác Hồ ! Bác Hồ !”. Một em học sinh lớn hô to “ Bác Hồ muôn năm ! Bác Hồ muôn năm !” Rõ ràng, nếu không có lời dặn trước, chắc chắn các em sẽ chạy xô về phía Bác. Bác ra đứng giữa phòng, giơ tay ra hiệu các em yên lặng, rồi Bác nói chuyện với các em, dặn dò các em, bảo các chú phục vụ chia kẹo cho các em. Tôi ngắm kỹ Bác, xem mắt Bác có “hai con ngươi” như người ta vẫn đồn không, bàn tay Bác có 5 ngón như người thường không. Nói chuyện và dặn dò các cháu xong, Bác hỏi “Những ai sẽ đưa các cháu đi?” Tôi đáp : “Thưa Bác, 4 anh em chúng cháu được Bộ giáo dục giao nhiêm vụ đưa các cháu đi và sẽ cùng với các đồng chí bạn dạy dỗ các cháu trong thời gian các cháu học ở bên nước bạn.” Bác hỏi : “Các chú có biết tiếng Đức không ?” Tôi trả lời Bác : “Thưa Bác, chúng cháu chỉ biết một ít tiếng Pháp và tiếng Trung quốc đủ để giao thiệp ạ”. Bác cười hồn hậu : “Sang Đức cùng công tác với các bạn Đức mà lại chỉ biết tiếng Pháp và tiếng Trung quốc thì làm sao giúp các cháu học hành và hợp tác với các đồng chí Đức tốt được ! Các chú cũng phải học tiếng Đức cho tốt để giúp các cháu học và sau này còn có thể giúp đất nước được.” Tôi nhớ lời Bác và đã cố gắng thực hiện điều Bác dặn.
Sau này về nước tôi đã đi dịch cho nhiều chuyên gia Đức sang giúp ta, đã nhiều năm giảng dạy tiếng Đức và công tác tại Cục phục vụ ngoại giao đoàn, Bộ Ngoại giao. Trong thời gian này, tôi còn vinh dự được Phủ Chủ tịch goi vào dich cho Bác 2 lần khi Bác tiếp các khách Đức. Và khi còn ở Đức, tôi cùng các em học sinh cònđược đón Bác đến thăm trường ở Moritzburg, nơi các em học tập vào mùa hè năm 1957.           
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ lần đầu được gặp Bác, cũng như những lần sau này, đối với tôi là những điều may mắn, những kỷ niệm không phai mờ và không bao giờ quên.
Ngày 10 tháng 5 năm 2013
       


                                                                 Đoàn Đình Tỉnh
Cho đến bây giờ, khi đã bước qua tuổi 80 rồi, những kỷ niệm một thời là giáo sinh của Khu học xá Trung ương hồi kháng chiến chống Pháp vẫn sâu lắng trong tôi. Mỗi khi có dịp gặp gỡ các bạn học cũ ngày ấy, những kỷ niệm, những cảm xúc như bị dồn nén lâu ngày chợt ùa tới làm  tôi vô cùng phấn khích…
Hối ấy, gia đình tôi ở ngay thị xã Sơn Tây. Trong không khí sôi nổi của những ngày đầu cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi và các bạn trong Đội Thiếu nhi tham gia nhiều hoạt động ở địa phương, như tuyên truyền cổ động các phong trào, dạy bình dân học vụ v.v.. Ở cái tuổi “ bẻ gãy sừng trâu” tôi giành được khá nhiều thành tích. Có lẽ vì thế tôi được sự chú ý giúp đỡ, quan tâm của lãnh đạo địa phương, đơn vị.  Cuối cùng tháng 11-1951, tôi được giới thiệu đi học lớp Sư phạm sơ cấp ở Khu học xá Trung ương. Đây là khóa đào tạo giáo viên cấp I nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục của cách mạng đối với các vùng dân cư vừa mới được giải phóng. Đồng thời cũng là một bước thử nghiệm đào tạo giáo viên trong hoàn cảnh đầy rẫy khó khăn, thách thức, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Lúc này tôi đã học xong lớp đệ Tam ( lớp 8 bây giờ ) ở trường cấp II Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, càng củng cố lòng tin, động viên tôi theo khóa học đào tạo giáo viên này.
Thời kỳ này, thực dân Pháp liên tục xua quân đi càn quét, đánh phá các vùng tự do. Được sự chỉ đạo của cấp trên, sự giúp đỡ của nước bạn Trung Quốc, Khu học xá Trung ương được thành lập tháng 11- 1951 tại Nam Ninh – Trung Quốc. Học viên được tuyển chọn từ nhiều địa phương trong nước về đây. nhưng ai nấy đều ý thức được trách nhiệm của mình, đoàn kết, thương yêu nhau, dộng viên nhau, tạo điều kiện cho nhau học tập tốt. Qua các bài giảng về lòng yêu nước, lòng yêu nhân dân của các thầy cô Khu học xá Trung ương, giáo sinh chúng tôi càng thấm thía những gì cách mạng đem lại cho nhân dân, dân tộc. Những hình ảnh tiêu biểu của thầy Võ Thuần Nho, thầy Việt Phương….đứng trên bục giảng ngày nào, đến bây giờ vẫn ngời sáng trong tôi.
Khóa sư phạm sơ cấp của chúng tôi đã triển khai học tập được 3 tháng thì các vùng tự do, các khu du kích trong nước được mở rộng cần một số giáo viên cấp I, cấp II về giảng dạy. Hàng trăm giáo sinh chúng tôi không ai bảo ai đều xung phong, tình nguyện về nước trước thời hạn để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục ở những nơi này. Tôi là một trong số 35 giáo sinh cấp I được tuyển chọn về nước đợt đầu tiên này. Sung sướng và tự hào biết bao! Ban lãnh đạo Khu học xá Trung ương tổ chức buổi tiễn đưa anh em giáo sinh chúng tôi lên đường về nước nhận nhiệm vụ ít ngày sau đó.
Thật là quyến luyến và cảm động vô cùng ! Chúng tôi thay nhau phát biểu cảm tưởng và cùng tuyên hứa với các đồng chí lãnh đạo Khu học xá Trung ương, rằng chúng tôi: sẵn sàng nhận  TAM BẤT KỲ ( sẵn sàng đến bất cứ nơi nào, nhận bất cứ nhiệm vụ nào, nhận bất cứ đãi ngộ nào).
 Tôi được cấp trên cử về nhận nhiệm vụ ở Khu giáo dục Liên khu 3. Có thể nói đây là bước thử thách đầu tiên của tôi kể từ khi rời Khu học xá Trung ương. Từ Mục Nam Quan tôi đi bộ về Thái Nguyên. Từ Thái Nguyên tôi đi bộ qua Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình. Hơn 20 ngày sau tôi mới tới huyện Hậu Hiền, Thanh Hóa, nơi làm việc của Khu gíáo dục Liên khu 3. Tính ra tôi đã vượt qua hàng trăm cây số đường rừng núi hoang vu, rậm rạp bằng đôi chân trần. Hôm đi qua đoạn đường Suối Rút tỉnh Hòa Bình, tôi được bà con địa phương cho biết “ Mấy hôm trước một anh cán bộ đã bị hổ vồ mất xác khi qua đây ”
Và ở Dốc Cun tỉnh Hòa bình mà tôi đi qua, quân Pháp thường phục kích để bắt sống hoặc bắn chết cán bộ, bộ đội ta đi qua đây…Lúc này tôi lại chợt nhớ tới buổi chia tay của  chúng tôi với Khu học xá, cùng lời hứa “ Sẵn sàng nhận Tam bất kỳ ”, một sức mạnh vô hình từ nguồn động viên đó đã xua tan mọi suy nghĩ tiêu cực trong tôi.
Sau 3 ngày nghỉ lại ở Khu giáo dục Liên khu 3, tôi tiếp tục theo đường dây liên lạc vào Khu giáo dục Tả ngạn đóng tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông Đào Trọng Côn, Giám đốc Khu giáo dục, chính thức trao quyết định điều tôi và anh Nguyễn Trung Chính về công tác ở Ty giáo dục Kiến An. Thế là hai chúng tôi lại khẩn trương lên đường. Đêm hôm sau chúng tôi phải vượt qua sông Hóa vào huyện Vĩnh Bảo. Ai nấy chỉ mặc một chiếc quần lót, còn tư trang thì gói vào một tấm ni lông làm phao bơi. Sang tới bờ bên kia, kiểm điểm quân số, trưởng đoàn cho biết thiếu một người. Riêng tôi nhận ra người đó là anh Chính. Chờ đợi tới 20 phút, người liên lạc cho tôi địa chỉ Ty giáo dục Kiến An rồi tiếp tục dẫn đoàn lên đường. Tôi lo quá, bụng nghĩ nếu anh Chính có làm sao thì tôi biết xoay sở thế nào ? Nhìn về phía bốt Hệ của địch ở cách đó không xa, ẩn hiện trong màn đêm, tôi càng phân vân lo lắng. Đi dọc bờ sông một đoạn, tôi thấy anh Chính nằm soài trên mép nước.
Tôi vội lôi anh lên rồi xoa bóp một hồi lâu cho nóng người. Lát sau anh hồi tỉnh, tôi mừng quá. Biết Chính còn yếu, tôi quyết định vừa cõng, vừa dìu anh vượt qua bãi sình lầy ven sông để lên mặt đê. Bây giờ nghĩ lại, sao lúc ấy tôi có một sức mạnh đến thế ! Vì tôi đâu có khỏe để dìu anh Chính có trọng lượng hơn mình. Hôm sau hồi sức, anh Chính cho biết : Anh bơi giỏi nhưng chủ quan, khi vượt sông cứ đội chiếc ba lô trên đầu để bơi đứng. Chẳng ngờ khi ra đến giữa sông, nước chảy siết, lại bị uống nước, anh chỉ kịp đưa vào bờ chiếc ba lô chứa đầy tài liệu giảng dạy, rồi kiệt sức, bất tỉnh ”. Thật là hú vía…
Ty giáo dục Kiến An lúc này đóng tại xã Tiền Phong huyện Vĩnh Bảo. các đồng chí lãnh đạo Ty giáo dục tiếp nhận giấy điều động của chúng tôi rồi giới thiệu tình hình địch ta và phong trào giáo dục ở huyện Tiên Lãng nơi chúng tôi sẽ về nhận công tác. Hoạt động ở một địa bàn “xôi đỗ” xen kẽ địch, ta quả là không dễ nếu không muốn nói là cực kỳ nguy hiểm. Chuyện địch xua quân đi càn quét, cướp bóc , bắn giết, bắt bớ thường xảy ra như cơm bữa. Lúc này, toàn huyện chia làm 4 khu gồm các khu I,2,3,và 4. Tôi được phân công dạy lớp ba, lớp bốn ở khu 3 gồm các xã Tiên Minh, Quang Phục, Toàn Thắng; còn anh Chính dạy lớp ba, lớp bốn ở khu 2.
Ban ngày tôi dạy các cháu học sinh, còn buổi tối đi dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ xã, thôn ( mỗi tuần 2 buổi). Các lớp học đều có giao thông hào dẫn tới hầm trú ẩn để phòng tránh tầm pháo của địch ở Kiến An mỗi khi chúng “ngứa ngáy” chân tay.Mỗi lần địch xua quân đi càn quét, thầy trò chúng tôi lại phối hợp cùng lực lượng du kích địa phương, hiệp đồng chiến đấu, bảo vệ xóm làng.
Đầu tháng 9 năm 1953, quân Pháp mở trận càn mang tên “ Claude” vào Tiên Lãng với thủy, lục, không quân cùng hàng chục xe lội nước. quân dân Tiên Lãng kiên cường, dũng cảm chống lại cuộc càn quét của địch suốt 23 ngày đêm. Cuối cùng chúng thất bại thảm hại phải mau chóng rút quân khỏi Tiên Lãng. Quân dân Tiên Lãng tuy giành thắng lợi lớn, song cũng không tránh khỏi tổn thất, trong đó nhiều học sinh lớp 4 của tôi đã anh dũng hi sinh.
Ngày 20-7-1954, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Ngày 13-5-1955 Hải Phòng được giải phóng. Tôi được tham gia vào đội quân tiếp quản thành  phố trước 10 ngày ( ngày 3/5/1955 ) để nhận bàn giao với Pháp một số trường học.
 Từ đây lịch sử của đất nước, của thành phố đã bước sang một trang mới. Bản thân tôi cũng có những đổi thay sâu sắc, từ một học sinh nhỏ bé sống ở thị xã Sơn Tây buồn tẻ đã hăng hái tham gia cách mạng từ tháng 9/1945, từng là lớp giáo sinh đầu tiên Khóa sư phạm sơ cấp Khu học xá Trung ương rồi lên đường nhận công tác với hành trang là lời tuyên hứa “Sẵn sàng nhận Tam bất kỳ”. Cũng từ đây, tôi chính thức trở thành công dân loại 1 của thành phố Hải Phòng, tích cực đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp giáo dục cách mạng của thành phố Cảng. Suốt 40 năm liên tục ( 1952-1992 ) tôi vừa tham gia công tác giảng dạy vừa theo học các lớp nghiệp vụ và đã tốt nghiệp đại học toán ở Trường Đại học sư phạm Hà Nội năm 1965, đồng thời nhận trách nhiệm quản lý một số trường của thành phố. Bất kể trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ nào của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi đều nỗ lực vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tháng 9-1992, tôi rời vị trí Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Trần Phú của quận Lê Chân để nghỉ hưu. Song, chưa đầy một năm, các đồng nghiệp của tôi lại tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhà giáo hưu trí quận Lê Chân  ( tháng 8/2003)   Khi hệ thống tổ chức Hôi Cưu giáo chức  cả nước hình thành, năm 2005 tôi trở thành chủ tịch của hội này của quận Lê Chân… Ngoài ra tôi còn tham gia vào nhiều hoạt động của nganh giáo dục  từ quận đến thành phố
Năm nay ( 2013 ) tôi đã 82 tuổi song trời cho vẫn khỏe mạnh. minh mẫn. trong suốt 45 năm công tác liên tục, trong đó có 40 năm đứng trên bục giảng. Mỗi khi có dịp, tôi đã tự kiểm mình và đánh giá bản thân đã làm đúng và giữ trọn lời hứa năm nào với Khu học xá Trung ương “ Sẵn sàng nhận Tam bất kỳ ”. Câu nói mộc mạc , giản dị sao mà có sức quyến rũ đối với tôi như vậy. Thế thái nhân tình hiện nay đang làm cho những người có lương tri, trách nhiệm với đất nước phải lo lắng, băn khoăn. Song với quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, tôi tin tưởng chắc chắn rằng chân lý cuộc sống sẽ ngày càng sáng tỏ, sau cơn giông bầu trời sẽ phong quang,đẹp đẽ.
                                        Tháng 8 năm 2013

                                                                                             Nguyễn Vĩnh Long
Cuộc họp đầu xuân năm nay (Quý Tỵ - 2013 ), khóa ta tưng bừng mừng thượng thọ 80 tuổi cho 20 bạn, vì phần đông các bạn đều sinh năm Giáp Tuất (1934). Mừng thì thật là mừng vì vẫn khá nhiều bạn đến dự và còn vui vẻ chuyện trò, ca hát.  Nhưng mọi người đều cảm thấy     “ những ngày cuối ” đã đến gần  vì chỉ còn dăm bạn sắp bước nốt lên tuổi 80. Nhiều bạn đã đi xa, một số bạn yếu mệt không đến được và một số tuy cố gắng đến nhưng xem ra cũng ọp ẹp rồi. Tuy nhiên mối tình lâu bền, trong sáng, tốt đẹp của khoá ta đã động viên, thôi thúc Ban liên lạc đề xuất việc tiếp tục ra một cuốn sách nữa và có lẽ sẽ là cuốn cuối cùng nên dự định đặt tên là cuốn “lưu bút” để mọi người viết lại những gì còn muốn ghi nhớ về tình bạn của chúng ta.
Kể từ ngày khóa ta tổ chức buổi họp mặt đầu tiên tại Hà Nội ( 1981 ), với sự kiên trì kheo léo vận động, lôi cuốn của bạn Trần Ích cùng Ban liên lạc, 33 năm qua khóa chúng ta đã làm được biết bao điều tốt đẹp. Ngoài việc họp mặt đều đặn đầu xuân hàng năm và chúc thọ các bạn 70,75,80 tuổi, tham gia các dịp kỉ niệm 45,50,55,60 năm thành lập Khu học xá, thăm viếng, giúp đõ các bạn, các thầy gặp khó khăn,tổ chức các chuyến tham quan, du lịch và thăm các bạn ở các tỉnh… chúng ta còn ra được 7 cuốn sách và đĩa DVD “ Chùm hoa đàu mùa ”… Các thầy và bạn Khu học xá luôn đánh giá cao khóa chúng ta, tuy ra trường sớm nhất và về những nơi khó khăn, gian khổ nhất, nhưng lại gắn bó với nhau chặt chẽ và hoạt động sôi nổi nhất. Những điều đẹp đẽ này đã được ghi lại khá đầy đủ trong các cuốn sách trên. Nhân dịp này, mời các bạn mở ra đọc lại, tôi tin rằng những cảm xúc tốt đẹp sẽ lại ùa đến với mỗi bạn đấy.
Trong buổi họp mặt đầu tiên của khóa, thực sự tôi rất bỡ ngỡ vì đã quên mất quá nhiều bạn, chỉ còn nhớ mấy người đã cùng học từ Trường Sư phạm Trung ương ở Chợ Ngọc. Vì tôi ra trường sớm, lại về hậu địch Hưng Yên đầy ác liệt nên không gặp gỡ được bạn nào rồi sau đó chuyển sang công tác ngành âm nhạc nên mối quan hệ với các bạn sư phạm ở Khu học xá hầu như không còn. Nhưng không khí vui tươi, phấn khởi của mọi người hôm đó đã giúp tôi hòa mình nhanh chóng và dần nhận ra từng bạn. Rồi qua việc trao đổi với nhau để cố nhớ lại các bạn còn vắng mặt, tên và địa chỉ của nhiều bạn đã dần hiện lên. Tuy nhiên vẫn còn một số nhớ được tên nhưng không biết nay đang ở đâu và tình trang ra sao, trong đó có Nguyễn Ngọc Nhung, người bạn duy nhất cùng vào hậu địch Hưng Yên với tôi. Việc tìm Nhung mất khá nhiều công sức, mãi 9 năm sau ( năm 2000 ) tôi mới tìm được ( Xem bài “ Tìm được bạn Nguyễn Ngọc Nhung ”, trang 52, cuốn “ 50 năm tình bạn ”). Tôi tha thiết mong được gặp Nhung, nhưng vì bệnh tật Nhung không ra Hà Nội và về thăm lại Hưng Yên được, chúng tôi đành thường xuyên thư từ cho nhau. Tuy nhiên Nhung cũng đã viết được 2 bài in trong cuốn “ 50 năm tình bạn ” trang 71,76. Mãi đến giữa năm 2006, tôi mới may mắn được nói chuyện qua điện thoại với Nhung ( Xem bài “ Qua một cuộc đàm thoại thú vị ”, trang 36, cuốn Kỷ yếu “ 55 năm khóa Sư phạm đặc biệt  1952 ”). Và như đã hứa với tôi, Nhung cũng đã có bài “ Người rừng ”  in trong cuốn này ở trang 85. Nhưng đọc lại bài này, tôi nghĩ hình như Nhung đã cảm thấy sắp đến ngày chia tay chúng ta và Nhung đã ra đi vào ngày 17/8/2007.
Từ khi gặp lại các bạn, tôi đã tham gia hầu hết các buổi họp mặt, tham quan và đi thăm các thầy, các bạn do khóa tổ chức. Tôi còn được bạn Trần Ich mời vào Ban liên lạc, phụ trách Phân đoàn đặc biệt, biên tập các cuốn sách của khóa và làm đĩa DVD : “Chùm hoa đầu mùa ”… , nhờ đó tôi đã có dịp hiểu biết, gắn bó với các bạn nhiều hơn, không còn bỡ ngỡ như hồi đầu nữa. Đặc biệt, vợ tôi, tuy không phải là nhà giáo  nhưng qua các chuyện kể của tôi về tình bạn và qua các cuốn sách của khóa ta, vợ tôi ngỏ ý muốn tham gia các chuyến đi của chúng ta. Thế là , có lẽ vợ tôi đã thành “nàng dâu ” đầu tiên của khóa. Chuyến lên Hà Giang thăm gia đình bạn Trần Quang Bật đường thì xa, trời lại mưa rét, lên xe lại chẳng thấy bạn gái nào vợ tôi đã định bỏ về thì may sao sau đó có vợ bạn Ngô Tùng đến nên 2 chị em lại vui vẻ cùng đi với chồng và các bạn trai của chồng. Dần dần về sau có thêm một số nàng dâu khác và cả chàng rể nữa. Theo đề nghị của bạn Trần Ich, vợ tôi đã viết một bài nói về tình bạn của chúng ta ( Trong “ Tâm Hư tình bạn ” trang 9 ). Tiếc rằng năm 2008 vợ tôi mất nên không còn đi cùng các bạn được nữa!
Năm 2011 chúng ta dã ra cuốn sách “Nhịp cầu tình bạn”với mong muốn có thể mở rộng, kéo dài tình bạn của khóa ta. Đúng là nhờ có cuốn sách này mỗi chúng ta có dịp hiểu biết đầy đủ hơn về gia đình các bạn. Ngoài chuyện các bà vợ, ông chồng tham gia các chuyến đi của chúng ta như tôi đã nói ở trên, còn phải kể đến vợ anh Dư Văn Nghị còng lưng đèo chồng bị ốm mệt đến họp, vợ anh Lê Văn Lạng viết thư cảm ơn chúng ta đã đến nhà thắp hương cho chồng rồi từ Ninh Bình lên tận Hà Nội đi tham quan với chúng ta và vợ anh Phạm Gia Tuấn còn xin được đến họp mặt thay chồng và sẵn sàng đến thăm hỏi chúng ta khi bị đau ốm như chúng ta đã từng quan tâm đến anh Tuấn… Rồi việc vợ con các bạn ở các tỉnh đều rất nhiệt tình chào đón, giúp đỡ chúng ta, mỗi khi chúng ta đến thăm nhà các bạn. Nhưng để gắn bó các cháu lại với nhau như các bố mẹ chúng, thì tôi nghĩ chắc không được, vì hoàn cảnh và điều kiện mọi mặt của các cháu hiện nay không giống như chúng ta ngày trước. Tuy nhiên có 2 hiện tượng tôi muốn nêu lên để các bạn cùng suy nghĩ xem có thể khai thác, phát huy được không :
1/ Cháu Bảo Oanh con bạn Bùi Lãng năm 2011 đã mời chúng ta đến họp mặt tại nhà hàng của cháu. Năm sau chúng ta không đến được, cháu đã cho con trai đến chúc mừng. Năm nay cháu lại nhiệt tình đón tiếp chúng ta. Trong buổi này có cả cháu An Chinh con bạn Duy Đính đưa bố đến họp. Hai chị em đã chuyện trò với nhau khá vui vẻ. Khi biết chúng ta sẽ cố gắng tổ chức họp mặt cho đến khi chỉ còn vài người cuối cùng, cháu Bảo Oanh đã xin được đón tiếp chúng ta cho đến ngày ấy.
2/ Trong chuyến thăm Tràng An- Bái Đính gần đây, con rể tôi và 2 con bạn Lê Đình Lực cùng đi với đoàn. Ba anh em chúng rất vui vẻ với nhau từ đấu đến cuối chuyến đi. Phải chăng chúng ta nên vận động các con cháu cùng tham gia những chuyến đi như thế này ?
Cuối cùng tôi xin chúc tất cả các bạn cùng gia đình luôn khỏe mạnh, cố gắng thỉnh thoảng gọi điện hoặc đến thăm nhau và tham gia những chuyến đi phù hợp với sức khoẻ, hoàn cảnh  của mình do khóa tổ chức để tình bạn của chúng ta được càng lâu càng tốt.
                                        Hà Nội , 04/9/2013


                Nguyễn Trung Chính
        Ra trường sư phạm (Khu học xá TW) năm 1952, tôi được Bộ Giáo dục điều về dạy học ở vùng địch hậu Kiến An, rồi về làm đào tạo bồi dưỡng  giáo viên và Trung tâm phương pháp Sở GDĐT Hải Phòng, cho đến năm 1994 thì nghỉ hưu.

Hồi học sư phạm (sơ cấp, trung  cấp TW, đại học sư phạm Hà Nội), tôi may mắn được “tu nghiệp” ở các trường nổi tiếng với các thầy giỏi về môn tâm lý giáo dục như thầy Nguyễn Hữu Tảo, thầy Đức Minh, thầy Hà Thế Ngữ...Sau khi nghỉ hưu, tôi  làm giáo dục dân lập. nghiên cứu khoa học rồi làm Báo Hội, liên tục đến nay đã có "thâm niên" giáo dục 61 năm. Bây giờ, nhớ lại các bài giảng năm xưa của các thầy kính mến (đều đã quá cố), nay chỉ còn đọng lại trong tôi mấy nguyên tắc giáo dục của cụ Cai - Rốp (nhà sư phạm Liên Xô thập niên 50, 60  thế kỷ trước), mấy thí nghiệm trên chó về phản xạ của Páp - Lốp  và ông Makarenko “đánh” học trò.
Khi ra nghề, tôi biết thêm phương pháp nêu vấn đề của Li-péc  (Liên Xô cũ)
Ở thập kỷ 60, toàn ngành rộ lên các đợt học tập, nguyên lý, phương châm giáo dục, các “tính”, các “bước” như bài giảng phải đủ 5 tính: tính tư tưởng, tính tích cực, tính thực tiễn, tính trực quan, tính khoa học...Hồi đó ai cũng thuộc câu vè: đầu đội nguyên lý, bụng thắt phương châm, vai đeo...
Vốn khoa học TL-GD chỉ có ngần ấy mà tôi cũng mầy mò, xoay sở “sáng tạo” ra khối “mẹo vặt” để soạn bài giảng, bồi dưỡng giáo viên và mang cả quân đi Đà Nẵng,Tây Ninh dự hội giảng “thay sách” toàn quốc giành toàn giải A cho Hải Phòng.
Mùa hè năm 1985, một cơn gió giải nồng đã đến Hải Phòng, làm thức tỉnh nhiều đầu óc tư duy giáo dục cũ, trong đó có tôi. Đó là “ Công nghệ giáo dục, Một đề tài cấp nhà nước do bạn Hồ Ngọc Đại ( lớp 7E cùng khóa ta ) làm chủ nhiệm
Thực ra lúc đó tôi cũng tự hỏi làm gì có “công nghệ giáo dục”, con người có phải là cái máy đâu ? Sao “Thầy không cần giảng giải, trò không cần cố gắng? Trò tự làm ra kiến thức cho mình, rồi dạy học không cho điểm? định bỏ thi đua hay sao?... Sao họ dám cam đoan học theo CNGD sẽ không có học sinh lớp 1  lưu ban, không thể “tái mù”, trong khi cụôc CCGD của chúng ta  lại vừa vấp phải thất bại đầu tiên,  ngay ở lớp 1 có tới 60% học sinh lưu ban. Nhưng tinh thần đổi mới của Đại hội VI đã khơi dậy mọi tiềm năng xã hội vô cùng to lớn, trong đó có giáo dục.
Thế là “lẽ phải thông thường” sau nhiều năm ngự trị đã chịu  nhường bước để “lẽ phải bất thường” là CNGD hiện diện tại thành phố Cảng. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng trước ngày khai trường năm học 1985-1986, Giám đốc Sở đề nghị, UBND thành phố đã ra quyết định triển khai ứng dụng  đề tài “Phát huy tối ưu năng lực học trẻ em bằng giáo dục thực nghiệm” tại HP. 
Năm 1985, có 3 lớp 1 (ở 1 trường), năm sau có 6 lớp 1,2  (ở 2 trường). Hai năm sau, 2 huyện An Hải, Vĩnh Bảo xin mở thực nghiệm. Sau 5 năm, năm 1990, khóa lớp 1 thực nghiệm đầu tiên thi tốt nghiệp theo đề đại trà, đỗ 100% (khá giỏi 80%)
Tháng 12 năm 1990, Bộ GD  tổ chức nghiệm thu  Đề tài với quy mô lớn chưa từng có. Tại Hải Phòng có tới 42 giáo sư và chuyên gia đầu ngành của các Vụ Viện, ,  trường Đại học do 1 thứ trưởng dẫn đầu, làm việc nghiêm túc, khảo sát với từng học sinh.Sau 3 ngày khảo sát, đề tài trên được nghiệm thu, kết quả xuất sắc.
Đánh giá chung  của Hội đồng nghiệm thu là HSTN vượt trội, đặc biệt là môn Tiếng Việt lớp 1 , học sinh có kỹ năng nghe, đọc, viết đạt trên chuẩn  của Bộ, không thể “tái mù” tư duy lại phát triển, có lối sống hồn nhiên. Mở rộng đại trà là việc không còn bàn cãi nên từ năm 92-93 , Sở quyết định 100% lớp 1 từ nội thành đến  huyện đảo học sách tiếng Việt CNGD , với trên 40.000 HS, hơn 1000 thầy cô giảng dạy và hàng chục ngàn cha mẹ  HS tin tưởng cho con học sách CNGD .
“Đại trà hoá” được 10 năm thì năm 2002 , do nghị quyết Quốc hội cả nước dạy một bộ sách (với mỗi môn, mỗi khối lớp) CNGD bị ngừng lại, tạo nên sự hụt hẫng, nuối tiếc của hàng vạn thầy trò đất cảng.
Song le, cũng như mọi ngành hoạt động của xã hôi (kinh tế, văn hóa…), “cái gì” hợp quy luật, cái gì “ tốt đẹp và đạt hiệu quả cao thì dù có “ rào cản ”nhất thời nó vẫn sẽ tiếp tục phát triển.
Trong tình hình xã hội có nhiều bức xúc về giáo dục, đòi hỏi phải cải cách giáo dục một cách toàn diện. Từ năm học 2011 - 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khich việc triển khai nhân rộng dạy Tiếng Việt lớp 1  theo Công nghệ giáo dục để nâng cao chất lượng Môn Tiếng Việt. do các địa phương tự nguyện đăng ký tham gia. Số lượng tăng dần, chỉ riêng năm học 2012 - 2013 tăng thêm 19 tỉnh.. Chỉ sau hai năm chương trình được triển khai trên diện rộng. Đến năm học 2013 - 2014 đã có 37 tỉnh đăng ký tham gia dạy TV1 CNGD, 100% các trường tiểu học trên địa bàn Nam Định đã triển khai, trong đó có trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu chọn đưa cả 3 môn Toán, Tiếng Việt và Giáo dục lối sống dạy thí điểm ngay năm học này [1]
Cũng từ năm học này, CNGD đã trở lại Hải Phòng, có mặt  ở tất cả các Quận, Huyện. Hãy dự giờ, giao lưu với thầy cô CNGD, nghe các em đọc, xem các em viết, chắc chắn bạn sẽ được chia sẻ nhiều điều bổ ích  về nghề cao đẹp, tinh xảo  của chúng ta và thấy được CNGD, do các em thi công như thế nào, thao tác ra sao dưới sự thiết kế của thầy. Thi công làm ra kiến thức cho mình, tự sản sinh  ra mình chính là hồn cốt của CNGD, là vai trò trung tâm của HS.
Thật xúc động khi có cô giáo khoe với tôi toàn bộ giáo án thiết kế day thực nghiệm cô vẫn cất giữ từ năm 1985, 1986. Có trưởng phòng huyện cất công sưu tầm sách  CNGD  xuất bản từ 1985 . Có trưởng phòng Sở kể  về một phụ huynh có con học TN trước đây,  nay ra học đại trà nhưng vẫn nhờ giáo viên thực nghiệm dạy thêm vì sợ lạc hậu.   
 Có Trưởng phòng Sở khoe mới phô tô được cuốn sách “Tôi nghĩ và làm giáo dục  như thế” của GS Hồ Ngọc Đại. Có lãnh đạo Sở phải mất 2 năm kiên trì và chờ đợi để Hải Phòng dạy lại sách Tiếng Việt 1 CNGD kể từ năm học 2013 – 2014. Trong 10 năm gián đoạn, đội ngũ giáo viên thực nghiệm Hải Phòng chưa bao giờ nản lòng, luôn nhớ  những điều tốt đẹp do CNGD đem lại. Nhờ CNGD mà họ tạo ra được sản phẩm có chất lượng.
Còn tôi, sau 30 năm nhờ tìm hiểu trải nghiệm tác động vào học sinh và sách giáo khoa CNGD, tôi cũng đã tự tìm thấy thêm nghề dạy học tinh xảo.
Các thầy tôi kể trong bài viết này: Thầy Đức Minh, Hà Thế Ngữ, Thầy Tảo... đã dạy tôi những bài học đầu tiên về nghề làm thầy, và cũng còn phải kể thầy  Võ Thuần Nho, thầy Việt Phương đã dạy tôi  nhiều điều hệ trọng và vô cùng bổ ích về chính trị, về phương pháp luận, về cách mạng và nhân dân. Tôi coi đó là những viên gạch đầu tiên xây nên cuộc đời, sự nghiệp 60 năm phục vụ giáo dục của tôi.                                      
Sau này, tôi được cộng tác khoa học giáo dục thực nghiệm - với bạn Hồ Ngọc Đại; là bạn đồng học nhưng tôi vẫn coi GS Hồ Ngọc Đại  như là thầy tôi.
Và nghĩ lại, các thầy tôi kể trên, và cả tôi, học trò của các thầy đêu là "Người Khu học xá" cả, cái nôi của giáo dục đào tạo cả nước trong thời kháng chiến gian khổ, vào những  năm 50 thế kỷ trước, một ngôi trường lớn đặc biệt, một tầm nhìn chiến lược, một niềm tự hào, một mốc son đỏ chói, một vầng trăng vằng vặc còn soi tỏ những vấn đề  giáo dục hôm nay. Chúng tôi biết ơn Khu học xá đã rèn luyện, dìu dắt chúng tôi nên người, đã thật lòng nghe lời Bác và thực hành lời dặn của Bác: Vì nhân dân phục vụ.


[1] - Tin từ bài phỏng vấn Phó vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GD ĐT Trần Thi Thắm và  trang web Viet Nam net


Toàn cầu hóa, tiếp tục hay quay đầu?
Nguyễn Tường Bách
Thứ Bảy,  28/1/2017,






                                                               (Thời báo kinh tế Saigon số Xuân 2017)



(TBKTSG Xuân) - Joe, kỹ sư trẻ người Mỹ lên đường đi Trung Quốc, tham gia điều hành một xưởng chế tạo linh kiện điện thoại di động. Anh bỏ lại đằng sau bạn gái và một xã hội an bình, đi vào một cộng đồng sản xuất xa lạ với hàng ngàn nhân công và kỹ sư từ nhiều quốc tịch khác nhau để cuối cùng đem về cho nước Mỹ những thiết bị tinh tế được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Maria, phụ nữ lớn tuổi người Ba Lan, qua Thụy Sỹ với nghề nghiệp chăm sóc các cụ lớn tuổi. Chị bỏ lại chính cha mẹ mình lẫn các cháu nhỏ, chính họ cần sự chăm sóc của chị hơn ai hết. Nhưng chị phải đi Thụy Sỹ vì phải kiếm tiền nuôi những người thân đó.
Toàn cầu hóa, hệ quả về kinh tế, chính trị và cư trú
Trên đây là hai hình ảnh giản đơn nhất của một sự vận động to lớn được mệnh danh là “Toàn cầu hóa”. Kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, người ta ghi nhận một sự biến chuyển sâu rộng trong phạm vi toàn cầu, trên mặt kinh tế, chính trị và cư trú. Trên bình diện kinh tế, hiện tượng đáng ghi nhận nhất là các nước tiên tiến chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp đi các nước châu Á, châu Phi... để tiết kiệm phí tổn nhân công. Ngành lâm nghiệp và ngư nghiệp cũng phát triển ở các nước thế giới thứ ba, nhưng chủ yếu là nhằm phục vụ cho người tiêu dùng phương Tây. Trong quá trình chuyển dịch đó, nhiều nước vươn lên phát triển nhanh chóng, trong đó có Trung Quốc.
Về mặt chính trị, nhiều quốc gia vì lý do địa lý hay thể chế kết hợp với nhau trong nhiều liên minh, bênh vực và bảo hộ lẫn nhau về mặt thuế khóa, xuất nhập khẩu, nhân công lao động, lập trường chính trị. Tiêu biểu nhất của mô hình là thị trường châu Âu (EU) hay ASEAN. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhắc đến trong những năm qua cũng nằm trong khuynh hướng này.
Chủ trương toàn cầu hóa trong chính trị và kinh tế cũng dẫn đến một hiện tượng khá bất ngờ: sự thay đổi về cư trú của người dân, trong bình diện quốc gia và quốc tế. Trong một quốc gia nhất định, dù tại châu Á hay châu Mỹ Latinh, các cơ sở do nước ngoài đầu tư thường tập trung vào các đô thị, chúng hút sức lao động về thành phố. Đó là hiện tượng toàn cầu hóa sinh ra đô thị hóa. Rất nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước vốn phân bố đồng đều như Đức, lâm vào cảnh mất cân bằng về tỷ lệ cư trú. Dân chúng, nhất là lớp trẻ, tập trung sinh sống trong các khu công nghiệp và dịch vụ tiên tiến, bỏ rơi vùng quê và các nghề nghiệp truyền thống.
Nhưng sự thay đổi cư trú bất ngờ và đáng lo ngại nhất lại chính là khuynh hướng di dân trên bình diện toàn cầu. Thế giới đang chứng kiến một sự di dân chưa hề có. Khi dân chúng một nước không đủ điều kiện làm ăn sinh sống hay bị chiến tranh đe đọa, khi họ có cơ hội tìm đến các nước giàu mạnh với một tương lai hứa hẹn hơn, người ta liều mình ra đi, dù bất hợp pháp, dù cái chết cận kề, dù bị bạc đãi xua đuổi. Đó là lý do của phong trào di dân hiện nay, vấn nạn lớn nhất không có lời giải của thế giới. Liên hiệp quốc ước lượng khoảng 50 triệu người di cư và mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người ra đi.
Nhận diện lại “toàn cầu hóa”
Gần 30 năm trước, khi Internet bắt đầu phát triển thì sự bùng nổ của ngành thông tin liên lạc cũng kéo theo sự phát triển về lưu lượng giao thông quốc tế. Phí tổn giao thông bằng đường bộ, hàng không, hàng hải... rẻ đến bất ngờ, hầu như ai cũng có thể ra khỏi làng mạc truyền thống của mình. Người ta nói về một “thế giới phẳng”, trong đó thông tin và di chuyển dễ dàng như trong một cái làng nhỏ. Trong khung cảnh đó, toàn cầu hóa xem ra chỉ là hệ quả tất yếu, hợp lý và đáng mừng của sự phát triển của loài người. Khi cả toàn cầu nằm trong một hệ thống thông tin chặt chẽ như Internet, khi người ta chỉ cần chục tiếng đồng hồ để đi từ châu lục này qua châu lục khác, khi sự phân bố lao động và cơ sở sản xuất được tổ chức một cách nhịp nhàng, hiệu quả, khi ai ai cũng được hưởng lợi từ một nền văn minh kỹ thuật và thông tin liên lạc... thì nhân loại phải bước qua một giai đoạn huy hoàng hơn xưa.
Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Tiếc thay, toàn cầu hóa có những mặt trái của nó và hệ lụy do nó sinh ra góp phần vào tình hình rối ren và bất ổn hiện nay trên thế giới, bắt đầu rõ nét từ năm 2015 và cuối năm 2016 đã lên cao điểm. Mặt trái của toàn cầu hóa là gì?
Toàn cầu hóa tạo điều kiện cho sự hợp tác và liên kết trên phạm vi thế giới, nhưng mặt trái của nó, nói một cách giản đơn, sản sinh ra một số lớn người bị thua thiệt. Trong mức độ của một quốc gia, nhất là quốc gia phương Tây, phong trào toàn cầu hóa chắp cánh cho thành phần trí thức, kỹ thuật gia có học thuật và đào tạo.
Toàn cầu hóa cũng giúp các nhà kinh doanh biết liên hệ, hợp tác với nước ngoài, nhất là khi họ tìm kiếm cơ sở sản xuất giá rẻ. Nhưng xã hội một nước không chỉ bao gồm các thành phần ưu tú đó. Còn lại là giới thợ mất việc làm, các tiểu chủ mất thị trường cung ứng sản phẩm, các hộ gia đình nằm trong các vùng quê ngày càng vắng dân vì phong trào đô thị hóa. Họ là những người bị đoàn tàu toàn cầu hóa bỏ rơi và số lượng của họ không hề nhỏ bé. Họ trở thành khối cử tri bất mãn và chóng lên tiếng trong các cuộc hầu cử.
Rộng hơn nữa, toàn cầu hóa trên phạm vi thế giới, giữa các quốc gia, là nguồn gốc của nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Từ nhiều năm nay giới học giả phương Tây đã cảnh cáo “Tất cả chúng ta (phương Tây) chính là kẻ bóc lột, phồn vinh của chúng ta chính là nỗi khổ của kẻ khác”. Theo tinh thần này thì toàn cầu hóa không gì khác hơn là “chuyển dịch các vấn nạn về môi trường và xã hội qua các nước thế giới thứ ba”. Trong tác phẩm Đại hồng thủy đang xảy ra bên cạnh chúng ta (1), Giáo sư S. Lessenich (sinh 1965) liệt kê một số thảm họa về môi trường và xã hội. Ông nêu thí dụ như vỡ đập mỏ sắt tại Brazil với 60 triệu khối bùn đỏ lan tràn. Chuyển cả một vùng rộng hơn nửa nước Việt Nam thành độc canh đậu nành tại Argentina. Vì sản xuất dầu dừa mà phá hẳn phần lớn rừng tại Indonesia. Vì cung ứng tôm xuất khẩu mà loại bỏ một phần ba tổng số rừng ngập mặn tại Thái Lan. Tại Bắc Phi, vì nuôi cá hồi xuất khẩu mà tàu đánh cá hiện đại phải đánh bắt cá con cung ứng cho cá hồi, ngư dân châu Phi mất hết cơ hội bắt cá. Bảng “thành tích” này có thể kéo dài vô tận trên khắp thế giới, trong đó Việt Nam hẳn phải có chỗ đứng với việc hủy hoại môi trường của nhà máy Formosa.
Hiển nhiên, toàn cầu hóa cũng mang lại việc làm và phồn vinh cho một số nước, cho một số thành phần kinh tế, nhưng hệ lụy của nó ngày nay mới được nhận diện rõ. Đó là thảm họa về môi trường và đẩy một số lớn con người vào đường cùng. Họ phải ra đi vì nghèo đói và đó là một trong những lý do của phong trào di dân ngày hôm nay. Theo Lessenich hễ có người hưởng lợi thì tất phải có kẻ thiệt thòi. Kẻ thua thiệt từ các nước thế giới thứ ba đang “gõ cửa chúng ta”.
Tình trạng nhập cư và chủ nghĩa quốc gia cực đoan
Năm 2015 đánh dấu đỉnh cao của phong trào di dân từ Syria, Afghanistan và các nước Bắc Phi vào châu Âu. Hàng triệu người chen chúc trên những con thuyền thô sơ hay những đường mòn xuyên biên giới để nhập cư vào Đức, Anh... Họ ra đi vì tương lai tại quê nhà quá mù mịt hay vì bị chiến tranh đe dọa. Một số quốc gia châu Âu đành chấp nhận cho họ nhập cư, một phần vì lý do nhân đạo, một phần vì luật định về người tị nạn chiến tranh. Họ là cả triệu con người lam lũ, đã kinh qua bờ vực sống chết, bị dìm trong cơn hoảng loạn về tinh thần và tâm lý, đến “gõ cửa” những xã hội tuy mang tiếng phồn vinh nhưng cũng đang bị xáo trộn dữ dội bởi nợ công, nạn thất nghiệp và hố ngăn cách giàu nghèo.
Châu Âu của 2015 từ Na Uy đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ Anh đến Ba Lan, nghe qua thì “thống nhất” nhưng thực ra rất bất đồng về kinh tế và chủ trương chính trị. Trước đó người ta đã nói đến khả năng giải thể đồng tiền chung euro cũng như cơ cấu điều hành thống nhất của 28 nước châu Âu. Thế nên từ năm 2015, khi hàng triệu người tràn vào nhập cư, mang theo tất cả sự khác biệt phiền toái về văn hóa và xã hội, chủ nghĩa quốc gia cực đoan tại các nước châu Âu bùng phát hơn bao giờ cả. Chủ trương của các nhà chính trị “quốc gia” này hết sức đơn giản: chống người nhập cư, bảo vệ quyền lợi người bản xứ, quyền lợi quốc gia trên hết, chống Liên hiệp châu Âu. Luận cứ của họ nghe ra vô cùng hợp lý với lớp người đang bất mãn, xu nịnh cử tri, chống lại mọi can thiệp và liên kết với bên ngoài, vì vậy chủ trương này có khi được gọi là “dân túy”.
Trong lịch sử phát triển nền chính trị tại phương Tây, chủ nghĩa dân túy thường được xem là ngây thơ và rẻ tiền, họ ít khi chiếm được trên 10% phiếu bầu. Quần chúng của họ thường là những người thất nghiệp, ít được học hành đào tạo và triền miên bất mãn. Thế nhưng, từ năm 2015 trở đi, phong trào dân túy núp dưới danh nghĩa “bảo vệ quyền lợi dân tộc” phát triển mạnh mẽ. Tại Áo, Hà Lan, Pháp và kể cả Đức, chủ trương chống người nước ngoài và ly khai khỏi cộng đồng châu Âu phát triển mạnh. Tại Áo, ứng viên dân túy tuy thất bại trong việc tranh cử tổng thống nhưng giành đến 46% số phiếu. Tại Pháp, khả năng bà Le Pen trở thành tổng thống trong năm 2017 không thể loại bỏ. Trong các nước Đông Âu như Hungari, Rumania, Ba Lan phong trào quốc gia ngày càng phát triển rộng khắp.
Trong năm 2016 khi chưa kịp giải quyết vấn nạn xã hội của người nhập cư tại Đức, hai biến cố bất ngờ xảy ra làm chao đảo nền chính trị phương Tây. Tháng 6-2016 cuộc trưng cầu tại Anh về việc ở lại hay ra đi khỏi cộng đồng châu Âu cho một kết quả bất ngờ. Khoảng 52% phiếu bầu muốn “Brexit” (nước Anh ra đi). Theo thăm dò chung, phần lớn cử tri không muốn nước Anh bị gò bó trong một liên kết chính trị nữa. Họ cũng chống người nhập cư, không muốn dân Đông Âu như Ba Lan, Hungari đến Anh sống và làm việc với tính cách dân cộng đồng châu Âu.
Brexit tại Anh nói lên một khuynh hướng bất ngờ của thế kỷ 21: quyền lợi quốc gia trên hết, giảm thiểu liên kết chính trị và chống người nước ngoài. Phong trào quốc gia tưởng chừng như đã tàn lụi theo toàn cầu hóa bỗng nhiên có một sức sống mới, có khả năng khoác cho chủ nghĩa dân túy một màu áo nghiêm túc. Trước sự hồi sinh của chủ nghĩa quốc gia tại phương Tây và hệ lụy về môi trường và xã hội tại các nước thứ ba, chủ trương toàn cầu hóa xem ra bị chặn đứng chỉ trong vòng một năm.
Cú sốc Trump
Các nhà chính trị theo chủ trương “quốc gia trên hết” tại Pháp, Hà Lan, Áo, Hungari, Đức chưa hết vui mừng về việc rút lui của Anh thì chỉ năm tháng sau, biến cố lớn tại Mỹ xem ra đánh dấu dứt điểm chủ trương toàn cầu hóa. Nhà kinh doanh tỉ phú Trump được bầu vào Nhà trắng trong sự ngạc nhiên của toàn thế giới. Ông thắng cử với một chương trình quốc gia cực đoan. “Nước Mỹ trước đã”, đó là khẩu hiệu của ông và cộng sự. Ông hứa hẹn với cử tri sẽ lấy lại việc làm đã chuyển qua các nước khác, đóng cửa biên giới Mexico, trục xuất người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp, từ bỏ các liên minh quân sự và kinh tế, trong đó Mỹ bị “lợi dụng”.
Ông hay phát ngôn tùy tiện, cho rằng Trung Quốc và Việt Nam “đánh cắp” việc làm của người Mỹ khi nói về các công ty như Apple có sơ sở sản xuất tại hai nước đó.
Hiện nay người ta chưa rõ chính phủ Trump sẽ thực hiện hay không chương trình bầu cử nói trên, nhưng ta hãy chú ý thái độ của cử tri Mỹ khi bầu phiếu cho Trump. Đó là phân nửa người Mỹ xem ra đã đặt niềm tin nơi chủ nghĩa quốc gia trên hết. Sự thăm dò cử tri cho thấy phiếu bầu cho Trump phần lớn đến từ những người bị thiệt thòi trong xã hội, họ là kẻ thua cuộc trong toàn cầu hóa, trong sự giao lưu rộng rãi trên thế giới do Internet và thương mại mang lại. Họ đã bất mãn sẵn với tầng lớp chính trị chuyên nghiệp xưa nay tại Mỹ, họ sẵn sàng nghe những lời hứa hẹn giản đơn, cụ thể và có khi bốc đồng. Toàn cầu hóa phát xuất từ Mỹ và phản ứng dữ dội nhất dĩ nhiên cũng phải từ Mỹ. Và phản ứng đó hiện nay đang làm thế giới rối ren hơn bao giờ hết, từ mấy mươi năm nay.
Chưa ai biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra. Các dấu hiệu tài chính tích cực tại Mỹ cho thấy chính quyền Trump có vẻ sẽ đầu tư mạnh để đáp lại lời hứa giải quyết công ăn việc làm trong thời tranh cử. Các hãng chuyên sản xuất tại nước ngoài đang bị áp lực phải chuyển cơ sở về Mỹ. Liệu họ có nghe lời hay không, chưa ai biết được.
Trên mặt quốc tế, châu Âu là cộng đồng hoang mang nhất với các bước kế tiếp của ông Trump. Liệu Liên phòng Bắc Đại Tây Dương (NATO) còn có thể dựa vào Mỹ hay không. Liệu Mỹ còn tôn trọng giá trị chung về nhân quyền, dân chủ... và sẵn lòng cùng châu Âu theo đuổi và bảo vệ? Liệu Mỹ còn nằm trong các mối cam kết về quân sự, chính trị và kinh tế hay đi hẳn với Nga? Đó là các câu hỏi lớn của một châu Âu hầu như đang kiệt quệ với các vấn đề khác như suy thoái kinh tế, chia rẽ vì vấn nạn nhập cư, nước Anh ra đi, nền chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, khủng hoảng tại Ý, các đảng dân túy đang tiến mạnh. Chưa bao giờ châu Âu suy yếu như hiện nay, sự tan rã của liên minh và đồng euro là một khả năng hiện thực.
So với châu Âu thì xem ra Nga và Trung Quốc hưởng lợi với Trump nhưng chưa mấy ai xác định được điều gì, nhất là khi Trump không ngại chọc giận ai, kể cả siêu cường Trung Quốc. Tuy nhiên, ta không quên một điều có tính chất cốt lõi. Đó là ông Trump vốn là một nhà kinh doanh đi tắt vào chính trị. Nội các của ông bao gồm nhiều nhà kinh doanh. Có lẽ ông không có một triết lý chính trị gì to tát, một học thuyết cao xa để đời cho con cháu, mà sẽ là một ông tổng thống quen sử dụng thuật trao đổi mua bán để đem lại lợi ích cho nước Mỹ, “lợi ích” theo cách nhìn của ông và cộng sự.
Việt Nam trong thời kỳ mới
Với một tân Tổng thống Trump và các diễn biến hiện nay, ta có thể suy đoán khuynh hướng toàn cầu hóa sẽ bị khựng lại, thậm chí quay đầu. Khuynh hướng quốc gia cực đoan sẽ chắp cánh, các mối liên minh chính trị và kinh tế sẽ mất ảnh hưởng, thay vào đó sẽ là chủ trương thương lượng song phương giữa các nước với nhau.
Trong bối cảnh mới của thế giới, xem ra Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trước. Một trong những tuyên bố đầu tiên của ông Trump sau khi đắc cử là sẽ hủy bỏ TPP. Trong năm trước hiệp định này hứa hẹn một trong những đường thoát quan trọng của Việt Nam, thiết lập một sự hợp tác kinh tế mới, độc lập hơn với Trung Quốc. Nay giải pháp này bất thành, Việt Nam mất đi một bàn đạp quan trọng.
Ông Trump đang công khai yêu cầu Apple rút lui khỏi Trung Quốc và Việt Nam. Áp lực này có thể mang lại thiệt hại kinh tế và lao động cho Việt Nam, nhất là khi nước ta đang muốn mở rộng hợp tác kỹ thuật với phương Tây. Mối quan hệ giữa các công ty và chính phủ tại Mỹ sẽ phủ bóng trên nền kinh tế Việt Nam.
Tranh chấp biển Đông là một hồ sơ khó lường. Một khi Mỹ chỉ muốn trở lại quyền lợi quân sự “cốt lõi” của mình, không muốn ai “bám đuôi” theo Mỹ vì quyền lợi riêng, thì ta khó tin Mỹ sẽ xả thân cho ai khác. Mặt khác hành động hầu như khiêu khích của Mỹ đối với Trung Quốc cho thấy Mỹ là một đối thủ khó chịu cho siêu cường phương Bắc này. Liệu giữa Mỹ và Trung Quốc có một sự đổi chác, chia phần nào đó tại biển Đông, tương lai sẽ trả lời. Nhưng điều chắc chắn là quyền lợi Việt Nam sẽ không có bao nhiêu trọng lượng trên bàn thương thuyết của họ. Và điều này hầu như sẽ dẫn đến tình trạng ta phải thương lượng song phương với Trung Quốc, điều mà Trung Quốc luôn luôn đòi hỏi. Vai trò của ASEAN sẽ mờ nhạt và chia rẽ như xưa, nếu không nói là tệ hại hơn, trong tinh thần “song phương” mới trên thế giới.
Các lực lượng khác trên thế giới như châu Âu, Nga hay Nhật Bản đều phải xếp đặt lại đường hướng nội bộ cũng như ngoại giao của mình, Việt Nam sẽ dựa vào ai trong nhiều năm tới? Câu trả lời chỉ có thể là dựa trên nội lực của chính mình và “nội lực” đó phải được xây dựng trên sự đồng thuận của toàn thể dân tộc.
Lời kết
Năm 2017, liệu Joe có trở về lại Mỹ hay không vì công ty của anh rút khỏi Trung Quốc hay Maria về lại Ba Lan săn sóc cha mẹ, ta không thể suy đoán. Mọi diễn biến cần đến thời gian, nhưng các dấu hiệu cho thấy thế giới hình như sang trang. Tinh thần “quốc gia” đang thắng thế, các chính sách liên minh kinh tế và quân sự đang mất ảnh hưởng. Mối hợp tác trên thế giới sẽ đặt trên căn bản song phương, từng quốc gia với nhau.
Trật tự quốc tế thiết lập từ thời kỳ chấm dứt chiến tranh lạnh, từ gần ba mươi năm nay, đang bị đảo lộn. Các giá trị nhân quyền, dân chủ, pháp trị... đang bị thử thách trên các châu lục. Công thức hợp tác kinh tế và chính trị giữa các nước trên thế giới đang chuyển đổi. Trong bối cảnh đó, các bước đi của các quốc gia, kể cả Việt Nam, đều phải dựa trên sự tỉnh táo, sáng tạo và chấp nhận những đổi thay quyết liệt.
-----------
(1) Stephan Lessenich Neben uns die Sintflut - Die Externalisierungsgesellschaft und ihr Preis, Hanser Berlin 9-2016