Phần I.
(12/1951 – 11/1955)
VÕ THUẦN
NHO,
Cố Tổng giám đốc Khu học xá
Một ngày thu năm 1951, tôi được đồng chí Bí thư Liên khu ủy IV vừa ở
Trung ương về cho tôi biết là tình hình sau chiến dịch Biên giới mở ra nhiều
triển vọng. Trung ương thấy cần phải tích cực chuẩn bị đào tạo cán bộ. Trung
ương có ý giao cho tôi trách nhiệm đó. Sau hai tuần chuẩn bị, tôi từ giã cơ
quan và gia đình ra Việt Bắc gặp Trung ương Đảng. Đồng chí Trường Chinh, Tổng
Bí thư Đảng, đã tiếp tôi và trao nhiệm vụ. Đồng chí đại ý nói rằng hiện nay
vùng giải phóng của ta càng ngày càng mở rộng và ngày thắng lợi không còn xưa nữa.
Đảng phải lo chuẩn bị cán bộ khoa học để xây dựng đất nước sau ngày thắng lợi. Ở
trong nước, điều kiện còn nhiều khó khăn, nên Trung ương đã thương lượng với Bạn
dành cho một chỗ bên đó, nhưng về mặt đào tạo giáo dục, ta phải lo là chính, nếu
cần gì, Bạn sẵn lòng giúp và đồng chí thay mặt Trung ương trao cho tôi trách
nhiệm đó. Nghe nói vậy, khi ấy tôi mới biết rõ mình phải sang Trung Quốc và phải
chuyển sang làm công tác giáo dục. Tôi rất lo, tuy trước đây có làm quen với
trường học trong ít năm đi dạy tư để sinh sống. Tình hình chuẩn bị quá gấp rút,
đường đi lại rất khó khăn, nên tôi đã có khiếm khuyết là không đến làm việc với
Bộ Giáo dục ngay được. Mãi đến năm 1989, tôi mới biết là lúc bấy giờ đã có Nghị
định của Chính phủ ta thành lập Khu học xá Trung ương. Nghị định ký ngày
1-10-1951.
Tôi lên đường sang Trung Quốc vào một đêm mưa to. Mượn
được chiếc xe Jeep cũ (chắc là chiến lợi phẩm) của Bộ Quốc phòng và cùng đi có
BS Nguyễn Tấn Gi Trọng. Phải tắt đèn để tránh máy bay. Trời mưa, đường lầy lội
và có rất nhiều ổ gà. Đã có lần, xe lao xuống ruộng, tôi và BS Trọng phải xuống
ruộng cùng anh lái xe đẩy xe lên. Mãi tới sáng mới qua đèo Mã Phục, vượt cầu
biên giới, đi về Thủy Khẩu. Sự đón tiếp đầy nhiệt tình của các đồng chí Giải
phóng quân Trung Quốc, với thái độ thân mật anh em, bữa ăn thịnh soạn, giường
ngủ êm ả, làm cho tôi lần đầu tiên biết được tình cảm quốc tế. Nhưng sao nhớ
quá, nhớ đất nước quê hương mình đang trong cảnh bom đạn, nhớ đến cán bộ quân
dân gian khổ biết chừng nào, cơm đứt bữa, ngủ không giường, nhớ đến gia đình
đang ở nơi sơ tán, mỗi bữa ăn phải lấy lá chuối đựng thức ăn, không một cái bát
lành lặn…
Rời Thủy Khẩu đi Long Châu và Nam Ninh. Đến đây tôi gặp
đồng chí Nguyễn Văn Lưu, phụ trách Biện sự xứ Việt Nam tại đó. Trong khi trao đổi
ý kiến, đồng chí Lưu đã thông báo cho tôi biết là các đồng chí Trung Quốc đã đặt
tên cho Khu học xá Trung ương của ta là “Dục tài học hiệu”, coi đó là nơi đào tạo
nhân tài cho Việt Nam.
Rời Nam Ninh, tôi vào Tâm Hư, cách Nam Ninh độ 10 cây
số, nơi đại bộ phận cán bộ và học sinh ta đang ở. Đây là một vùng dân tộc thiểu
số người Choang, ăn ở rất lạc hậu: cả làng ăn uống trong những ao tù đặc quánh
rêu xanh, không có lấy một cái giếng… Nhưng Chính phủ Trung Quốc đã cử người đến
giúp đỡ tận tình: Ngoài trung đội Giải phóng quân lo bảo vệ, còn một số cán bộ
hậu cần, do đồng chí Thôi khoa trưởng phụ trách. Đồng chí là người miền Bắc,
Nam hạ cùng quân giải phóng, là nông dân nhiệt tình, sẵn sàng, nhưng do chưa
quen với công tác giáo dục nên chưa hiểu hết những điều kiện cần thiết để giảng
dạy học tập tốt, và để tổ chức cuộc sống gọi là có văn hóa.
Khi tôi đến Tâm Hư - vào thượng tuần tháng 12 năm 1951
thì ở đó có cán bộ giảng dạy và học sinh của các trường Khoa học cơ bản, Sư phạm
cao cấp, Sư phạm Việt Bắc chuyển sang một số công nhân Việt Nam. Sau này, dần dần
thành lập Sư phạm sơ cấp (năm 1952); Sư phạm trung cấp (năm 1952) rồi tách Sư
phạm trung cấp thành hai hệ: Sư phạm trung cấp khoa học xã hội và Sư phạm trung
cấp khoa học tự nhiên. Năm 1952 thành lập Trường phổ thông, nhà trẻ và mẫu giáo
cũng sớm được tổ chức. Số lượng cán bộ, giáo viên học sinh Khu học xá lúc đông
nhất vào khoảng 2.500 người, lớp học sinh này tốt nghiệp về nước, lại có lớp học
sinh mới sang. Đến năm 1956 chuyển toàn bộ hệ Sư phạm về nước, Khu học xá Trung
ương chỉ còn lại học sinh phổ thông cho đến năm 1958 tôi trở về nước nhận công
tác khác.
II
Sau khi đến Tâm Hư một tuần hơn, sơ bộ nắm qua tình
hình, tôi thấy công việc mới quả là không dễ. Được ủy nhiệm của Ban Bí thư Trung
ương Đảng, tôi triệu tập một số cán bộ Đảng viên và thành lập Liên chi ủy lâm
thời, do tôi làm Bí thư. Theo hướng dẫn của trên chúng tôi họp Ban giám đốc Khu
học xá bàn công việc. Ban giám đốc gồm có các đồng chí: Võ Thuần Nho, Nguyễn Xiển,
Lê Văn Thiêm, Nguyễn Văn Chiển. Cuộc họp đầu tiên của Liên chi ủy lâm thời và của
Ban Giám đốc đã phân tích tình hình khá toàn diện: hoàn cảnh, điều kiện công
tác mới của chúng tôi quả là có những yếu tố thuận lợi cơ bản, nhưng cũng có những
khó khăn gay gắt, nếu không có cách khắc phục kịp thời dễ có diễn biến không
đơn giản. Những thuận lợi đó là: hoàn cảnh hòa bình, không phải nơm nớp chuẩn bị
tránh giặc hằng ngày; điều kiện vật chất đầy đủ do Bạn cung cấp theo yêu cầu của
ta; các thành viên của Khu học xá (cán bộ, giáo viên, học sinh) đều đã trải qua
giai đoạn gay go của cuộc kháng chiến, có quyết tâm đem sức mình tham gia kháng
chiến đến ngày thắng lợi, nay có hoàn cảnh thuận lợi cho cán bộ khoa học tiếp
xúc với nền giáo dục của các nước bạn và với nền khoa học hiện đại; sự tín nhiệm
của cấp trên trao cho trách nhiệm về công tác mới mẻ này. Trước mặt chúng tôi
có rất nhiều khó khăn. Hầu hết mọi người đều có tâm trạng “muốn về”, không chịu
ở xa quê hương khói lửa, không an tâm sống trong hòa bình, ăn uống đầy đủ, tách
khỏi đồng bào ở Tổ quốc. Tôi cũng không tránh được tâm trạng đó. Tin tức trong
nước, thư từ của người thân bên nhà đến quá ít ỏi, liên lạc rất khó khăn. Tập
thể Khu học xá gồm người từ nhiều địa phương họp lại, không dễ dàng hiểu biết,
thông cảm, chan hòa với nhau, công tác giáo dục đặc biệt là công tác đào tạo
giáo viên đối với chúng tôi đều chưa có kinh nghiệm, ngoài một số đồng chí
trong Ban giám đốc, trước Cách mạng tháng 8 có đi dạy học, các đồng chí trong
Liên chi ủy chưa quen công tác giáo dục, tài liệu sách vở các trường mang sang
rất hiếm hoi, sự hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên, của ngành giáo dục vì xa cách
nên rất ít ỏi, chúng tôi lại ở vào một địa phương quá lạc hậu về mọi mặt, ngôn
ngữ bất đồng, ra khỏi nhà không dễ gì làm quen với người địa phương. Khu học xá
Trung ương lúc đầu cũng na ná như một ốc đảo.
Từ những phân tích trên, Liên chi ủy và Ban Giám đốc
quyết định chủ trương phải triển khai ngay công tác giáo dục tư tưởng chính trị,
kiên trì lâu dài công tác đó. Chính từ quyết định ấy mà đề ra khẩu hiệu: “Khắc
phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ” cả khi ở Tâm Hư và
cả khi ở cơ sở mới xây dựng gần Nam Ninh. Yêu cầu của công tác giáo dục tư tưởng
chính trị là bồi dưỡng tinh thần yêu nước căm thù giặc, rèn luyện phẩm chất đạo
đức theo lời dạy của Bác Hồ, chịu đựng và khắc phục mọi gian khổ. Chúng tôi
nghĩ rằng, khi lòng yêu nước đã được khơi dậy, nó sẽ trở thành sức mạnh của mọi
người vượt qua khó khăn để làm tròn nhiệm vụ. Quả thật, suy nghĩ đó qua thực tiễn
sau này đã chứng minh là đúng. Xa Tổ quốc, ít biết tin tức, tình hình diễn biến
của cuộc kháng chiến trong nước. Chúng tôi cũng đã tổ chức một nhóm cán bộ, sắm
thêm đài thu thanh, chuyên lấy tin tức trong nước và nước ngoài qua các đài, đặc
biệt qua Đài tiếng nói Việt Nam, và qua báo chí, tuy ít ỏi và thất thường.
Chúng tôi cố gắng tổ chức cho người đi về trong nước đều đặn. Chúng tôi tổ chức
thường xuyên các buổi nói chuyện cùng cán bộ và học sinh về tin tức và tình
hình trong nước, về các vấn đề lý tưởng và đạo đức. Phải chọn người nói chuyện,
đó là khâu khá quan trọng. Đó là các đồng chí không những có lòng yêu nước sâu
sắc mà còn có năng lực truyền cảm tâm hồn yêu nước của dân tộc mình qua lời
nói, qua cử chỉ của mình. Chúng tôi phát động phong trào đọc sách, phân tích
các nhân vật tích cực để mọi người lấy đó làm gương. Qua Biện sự xứ của ta ở
Nam Ninh, chúng tôi cố mời cho được các anh hùng chiến sĩ, các đoàn đại biểu của
ta đi ngang qua, các đồng chí cán bộ chiến sĩ sang bệnh viện Nam Ninh điều trị,
vào nói chuyện với cán bộ, thầy giáo, cô giáo, học sinh khu học xá. Những cuộc
gặp gỡ như vậy rất cảm động và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Bằng các hoạt động
trên, chúng tôi gắn Khu học xá với cuộc sống sôi nổi trong nước nhằm rèn luyện
tư tưởng ý chí mỗi người. Sống trong hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn về sách vở,
về chương trình, về phương pháp, trình độ có hạn, chỉ có một con đường là phát
động tinh thần tự học, đem hết trí tuệ ra mà sáng tạo, giải quyết khó khăn, từng
bước nâng cao trình độ . Đúng là khi lòng yêu nước của mỗi người được
khơi dậy, nâng cao, mỗi người càng có ý thức trách nhiệm của mình đối với nước,
với dân, và tinh thần tự lực, trí sáng tạo trong công tác, trong học tập từ đó
được phát động. Một phong trào trong thầy giáo, cô giáo, học sinh, trong cán bộ,
công nhân, nhân viên được dấy lên, phong trào học tập, phong trào rèn luyện,
phong trào biên soạn giáo trình, mọi người vươn lên làm tròn trách nhiệm của
mình. Công tác giáo dục tư tưởng chính trị đã làm nền tảng, làm đà tiến cho việc
giảng dạy, cho việc học tập, tạo nên dòng tin cậy, sự mến thương nhau. Khối
đoàn kết giữa các thành phần trong Khu học xá trên cơ sở phấu đấu cho mục tiêu
chung dần dần được xây dựng và củng cố, tạo nên môi trường lành mạnh có tác dụng
lớn đối với công tác giáo dục đào tạo.
Đi đôi với các hoạt động trên, chúng tôi đề nghị với
các đồng chí Trung Quốc cải tiến từng bước về ăn, ở, mặc, đề nghị đào một số giếng
lấy nước ăn, mua chum, vại, có cái lọc nước qua phèn chua để dùng, có cái làm hố
xí nổi, đề nghị các đồng chí Trung Quốc thêm nhiều chất rau, bớt mỡ trong các bữa
ăn, đề nghị may áo quần sao cho vừa khổ người, tránh tình trạng nhiều người mặc
áo quần quá lụng thụng, đề nghị giúp các gia đình mua sắm đồ ăn, dụng cụ cần
thiết v.v… Có thể các đồng chí Trung Quốc chưa thấy hết sự cần thiết, cấp bách,
nhưng cũng hết lòng thỏa mãn các yêu cầu đó. Dần dần mọi người “an cư” hơn, nên
“lạc nghiệp” hơn.
III
Nhớ về Khu học xá Trung ương, trước hết
tôi nhớ đến những thanh niên trai và gái gửi sang học tập trong những năm tháng
đáng ghi nhớ ấy. Đó là những con em nhân dân lao động ở các vùng bị tạm chiếm
hoặc các vùng giải phóng, đó là con em của những cán bộ đang lăn lộn trên các
chiến trường, ở các cương vị khác nhau. Tiếp xúc lần đầu tiên với thế hệ trẻ ấy
ai mà chẳng mến thương. Nét nổi bật trước hết ở họ là tình cảm trong sáng với
nước, với dân, với Bác Hồ và Đảng lãnh đạo. Khi mới đến trường, họ có ý nghĩ
chung là phải học tập, rèn luyện để trở về nước, phục vụ nhân dân, góp phần nhỏ
của mình cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Chỉ sau một thời gian ngắn ở
trường, họ thương yêu thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên đang đem hết lòng để
dạy dỗ, chăm lo đời sống cho họ, thương yêu và tôn trọng thực sự, chứ không phải
chỉ vì kỷ luật, của tổ chức nhà trường. Họ thương yêu bạn bè chân thực, hiếm thấy
ở họ sự suy bì, xoi mói nhau. Cũng sẵn có tâm hồn trong sáng đó mà họ chân
thành góp ý kiến với Bạn về các thiếu sót cũng như khen ngợi Bạn về ưu điểm,
thành tích. Cho nên, sinh hoạt Đoàn thanh niên cứu quốc lúc bấy giờ có nội dung
phong phú, thiết thực, cùng nhau nâng cao trình độ tư tưởng, chính trị, phẩm chất,
bàn những việc làm cụ thể, cùng nhau nâng cao trình độ tư tưởng, chính trị phẩm
chất, bàn những việc làm cụ thể. Có thể nói, thế hệ trẻ đó, lúc bấy giờ đã mang
trong người mầm mống của những phẩm chất tốt đẹp. Tôi còn nhớ như mình được sống
lại những buổi chiều, tay cầm tay các bạn trẻ vừa đi dạo mát nghỉ ngơi vừa tâm
sự với nhau, các buổi sinh hoạt Đoàn mà mọi người đều tích cực phát biểu xây dựng,
những buổi phê bình, tự phê bình trong nhóm nhỏ, cũng như trong từng lớp, ở đó
không có dè dặt, chỉ có xây dựng thẳng thắn và yêu thương. Tôi còn nhớ như mình
được sống lại cái buổi đầu tiên ghi tên học sinh tự nguyện rút ngắn thời gian
đào tạo để về nước kịp thời phục vụ kháng chiến bước vào giai đoạn ác liệt. Được
ghi tên mình và được nhân vào danh sách là vinh dự đối với mỗi người. Hôm tiễn
đưa, tất nhiên có tình cảm lưu luyến, nhưng mỗi người đều có ánh mắt quyết tâm,
hứa hẹn. Sau đó, tôi được biết nhiều người đã vào công tác ở các vùng sau lưng
địch, vừa dạy học, vừa tham gia du kích đánh giặc, bảo vệ dân, phát triển trường
lớp. Thật đáng tự hào được làm việc với thế hệ thanh niên như vậy, và cũng đáng
chê trách nếu công tác đào tạo chưa đạt kết quả mong muốn. Có thể nói, thế hệ
trẻ đó đã nên người: biết sống, biết làm việc, biết phát huy cái tốt, cái đúng,
tránh cái xấu, cái sai.
Ở Khu học xá Trung ương lúc bấy giờ, theo chủ trương của
Đảng, đã tập trung được nhiều nhà trí thức, nhiều thầy giáo ưu tú. Bác Hồ đã dặn
các cơ quan rằng, tuyển người sang Khu học xá phải có chọn lọc. Họ là những trí
thức vốn yêu nước nồng nàn, đã rời Thủ đô, quê hương, gia đình đi làm cách mạng,
theo Bác Hồ lên Việt Bắc hoặc ra vùng giải phóng, vượt qua mọi khó khăn, thử
thách, thiếu thốn của những năm đầu kháng chiến gian khổ và gay go, một lòng cống
hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập. Với tinh thần ấy, trong vị trí công
tác mới, có điều kiện làm việc thuận tiện hơn, yên tĩnh hơn, không bị rầy rà bởi
tiếng bom đạn, không phải lo chạy ăn, chạy mặc cho gia đình, họ đã đem hết trí
tuệ và tinh thần yêu nước của mình để cải tiến và sáng tạo nội dung, phương
pháp giảng dạy, giáo dục. Mỗi giờ lên lớp là một giờ vừa truyền thụ tri thức vừa
khơi dậy trí tuệ, bồi dưỡng lòng yêu nước, căm thù giặc. Những giờ không lên lớp,
họ miệt mài nghiên cứu, xây dựng, cải tiến nội dung, phương pháp, vận dụng kinh
nghiệm của các nước anh em. Người nào cũng ra sức học tiếng nước ngoài, học tiếng
Nga, tiếng Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm các nước bạn, tiếp thu thành tựu
khoa học mới. Có thể nói, kinh nghiệm giáo dục, thành tựu khoa học của Liên Xô,
Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam bắt đầu từ hồi ấy, ở Khu học xá Trung ương.
Các thầy giáo, cô giáo Khu học xá cũng bước đầu có tác phong mới trong quan hệ
thầy trò: Các thầy không chỉ bằng lòng với giờ lên lớp, mà ngoài ra, còn đi đến
các buổi học sinh tự học, buổi chiều, buổi tối để cho học sinh hỏi những điều
chưa hiểu hoặc chưa nghe học sinh góp ý kiến. Quan hệ thầy trò vừa là quan hệ
giữa người dạy và người học, vừa là quan hệ giữa những người bạn cùng chiến đấu
cho mục đích chung: Độc lập của Tổ quốc, tự do của nhân dân. Thầy rất đỗi yêu mến
trò và tôn trọng nhân cách trò, trò rất đỗi kính trọng và yêu mến thầy. Sau
này, khi trong ngành giáo dục có khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”, tôi
nghĩ khẩu hiệu ấy cũng đã nảy sinh trên việc làm ở Khu học xá Trung ương.
Nhớ về Khu học xá Trung ương không thể không nhớ tới Đảng
bộ Khu học xá với cán bộ, đảng viên của Đảng bộ. Được sự ủy nhiệm của Trung
ương Đảng, khi đến Khu học xá, tôi triệu tập các đồng chí Đảng viên, thành lập
Liên chi ủy lâm thời. Trong Khu học xá có những đảng viên cao tuổi, đã từng
tham gia các cấp ủy trong nước, nhưng cũng có nhiều đảng viên trẻ, do đồng chí
Trần Việt Phương làm Bí thư. Để lãnh đạo Khu học xá và của Trường thiếu nhi Quế
Lâm, Trung ương chủ trương thành lập Đảng ủy gồm bốn đồng chí: Võ Thuần Nho,
Nguyễn Văn Lưu, Đặng Văn Cáp và Triệu Việt Phương. Các chi bộ Đảng ở Khu học xá
thực sự là hạt nhân lãnh đạo ở các đơn vị trường học cũng như cơ quan. Đảng bộ
Khu học xá lúc bấy giờ có một niềm tin vững chắc và một sức mạnh rõ rệt. Đó là
niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến giành độc lập cho đất nước,
đó là niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và của Bác hồ. Mỗi lần nhận
được chỉ thị của Trung ương Đảng là một lần niềm tin và sức mạnh của toàn Đảng
bộ được bồi đắp thêm. Khu học xá ở xa Trung ương, không nhận được chỉ thị đều đặn,
chúng tôi coi báo Nhân dân như là phát ngôn chính thức của Đảng, vì thế coi việc
tổ chức đọc báo Nhân dân hằng tuần (do Biện sự xứ cung cấp) như là phổ biến các
chỉ thị, nghị quyết của Đảng vậy. Tôi nhớ có lần nhận được chỉ thị của Trung
ương Đảng đem ra đọc ở Đại hội, có đồng chí nhiều tuổi đã khóc. Niềm tin của Đảng
bộ Khu học xá cũng là niềm tin và sự tự giác rèn luyện của bản thân mỗi người để
vươn lên trong công tác và trong học tập. Đảng bộ Khu học xá có sức mạnh, đó là
sức mạnh của niềm tin và là sức mạnh tiềm tàng ở mỗi đảng viên, tận tụy trong
công tác, kiên định trong tư tưởng và gương mẫu trong sinh hoạt. Một chủ trương
công tác, một khi trở thành nghị quyết của Đảng bộ là mỗi Đảng viên nghiêm chỉnh
chấp hành, phân công nhau đi sát từng “tầng lớp quần chúng” trong Khu học xá,
phổ biến, giải thích và tổ chức thực hiện. Đó cũng là biểu hiện nói và làm đi
đôi với nhau. Quả thật là rất khó khăn tạo nên được một tâm lý yên tâm và quyết
tâm công tác và học tập trong hoàn cảnh Tâm Hư lúc bấy giờ. Quả thật là khó
khăn tạo nên được một môi trường đoàn kết, đầm ấm, chan hòa giữa những “con người”
từ bốn phương trời tập hợp lại. Đảng bộ Khu học xá đã tạo nên được tâm lý đó và
môi trường đó. Được như thế, cũng còn do Đảng bộ Khu học xá đã sớm tổ chức các
đoàn thể: Công đoàn, Đoàn thanh niên cứu quốc, Hiệu đoàn học sinh, Hội liên hiệp
phụ nữ…
Công đoàn giáo dục Khu học xá đã có đóng góp tích cực
vào việc tổ chức cuộc sống của đoàn viên, sắp xếp phân phối nhà cửa từng bước hợp
lý hơn, vào việc đánh giá công nhân, viên chức để áp dụng các bậc phụ cấp thỏa
đáng, đã tổ chức những buổi vui chơi giải trí, giải quyết các thắc mắc nội bộ,
xây dựng khối đoàn kết.
Hội liên hiệp Phụ nữ đã có nội dung sinh hoạt rất thiết
thực. Các chị đã cùng nhau góp ý kiến cách nấu nướng thế nào với sự cung cấp của
Bạn để hợp khẩu vị Việt Nam, các chị giúp đỡ nhau mỗi khi có người gặp khó
khăn, các chị đã tích cực tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo để giúp các chị có con nhỏ
an tâm công tác, các chị cũng góp phần giúp nữ sinh các môn nữ công gia chánh
v.v…
Hiệu đoàn học sinh và Đoàn thanh niên cứu quốc đã hoạt
động mạnh và phong phú, nhất là Đoàn thanh niên cứu quốc. Hiệu đoàn học sinh đã
tập hợp tất cả thanh niên học sinh vào hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, tổ
chức trọng thể các ngày lễ, các ngày kỷ niệm. Mỗi lần tổ chức như vậy là một
ngày hội của Khu học xá và người lớn, cả thầy giáo, cô giáo, cán bộ lãnh đạo
cũng như thanh niên học sinh đều tham gia. Có tác dụng sâu sắc với học sinh là
Đoàn thanh niên cứu quốc. Đoàn ở Khu học xá đã làm được vai trò của mình là trợ
thủ đắc lực của Đảng bộ. Nội dung sinh hoạt của các chi đoàn rất thiết thực, cụ
thể, họ thảo luận và góp ý kiến về những biện pháp nâng cao giai đoạn tư tưởng,
chính trị, đạo đức và tác phong, cả về tình cảm riêng tư nữa. Các đoàn viên
cũng được giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật. Sau khi thảo luận dân chủ, mọi nghị
quyết của Đoàn đều được đoàn viên chấp hành khá nghiêm túc. Theo chủ trương của
cấp trên, lúc bấy giờ ở Khu học xá thanh niên chưa được đặt vấn đề yêu đương,
cũng vì thế mà anh chị em đoàn viên thường có thái độ hơi gay gắt, hẹp hòi với
nhau về điều này, có khi đem cả thư từ của người yêu từ trong nước gửi qua để
phê nhau. Đó cũng là một phần thiếu sót về lãnh đạo của Đảng bộ, tập trung vào
giáo dục những tình cảm lớn, yêu nước, yêu đồng bào, sẵn sàng cống hiến, hy
sinh, tư tưởng vị tha, chống chủ nghĩa cá nhân, hầu như hướng mọi người vào một
khuôn mẫu mà ít chú ý đến phát triển tính cách riêng của mỗi cá nhân con người
cụ thể, ít chú ý đến giáo dục tình cảm gia đình, tình yêu tuổi trẻ v.v…
Khu học xá Trung ương đã hoạt động trong điều kiện đầy
đủ về vật chất. Đối với tất cả mọi người, đây là lần đầu tiên được trực tiếp biết
đến cái quan niệm trừu tượng gọi là tình cảm quốc tế là thế nào. Trong thời
gian đầu ở Tâm Hư, điều kiện sinh hoạt quả là gặp nhiều khó khăn, vì ở giữa cụm
dân cư thiểu số lạc hậu. Về học tập, mọi người phải ngồi trên chiếc ghế con, một
tấm ván vuông đặt trên đầu gối mà viết, đồ dùng dạy học hầu như không có, ngay
cả bảng đen. Nhưng dần dần Bạn thấy sự cần thiết phải có điều kiện như thế nào
mới dạy tốt, học tốt được, nên đã từng bước cung cấp đồ dùng dạy học và sau mấy
năm đã xây dựng một cơ sở Khu học xá mới, khang trang, theo yêu cầu của ta,
ngoài các lớp học, các trường học được bố trí riêng (Mẫu giáo, Phổ thông, Sư phạm,
Khoa học cơ bản) còn có phòng thí nghiệm, thư viện, phòng học lớn, bể bơi, vườn
cảnh v.v… Bạn cũng cố gắng cung cấp sách tiếng Nga, tiếng Trung Quốc theo đề
nghị của ta. Phải thừa nhận rằng cung cấp vật chất, chúng ta được phục vụ đầy đủ,
có phần thừa thãi. Mọi người trong cuộc sống ấy, nhất là trong các bữa ăn, đều
không khỏi nhớ đến bộ đội, cán bộ, nhân dân ở trong nước thiếu thốn, gian khổ
biết chừng nào! Các đồng chí Trung Quốc dần dần cũng hiểu được khẩu vị khác
nhau giữa người Việt Nam và người Trung Quốc, cho nên đã cải tiến bữa ăn theo đề
nghị của ta. Đồng chí Thôi (Khoa trưởng, phụ trách hậu cần) nghe ta trình bày
cũng thấy được sự cần thiết phải đào giếng, phải mua nhiều chum vại và đồng chí
đã tần tảo đi mua sắm đầy đủ từ tận huyện Ninh Minh. Một điều đáng ghi nhớ là sự
tôn trọng của Bạn đối với các hoạt động nội bộ của ta, về giáo dục cũng như về
tổ chức. Ngay theo yêu cầu của ta, Bạn có cử đến giúp ta một số chuyên gia dạy
tiếng Trung Quốc và hoạt động ngoại khóa, các đồng chí đó cũng hoàn toàn chịu sự
lãnh đạo của ta. Có thể khẳng định rằng, tuy Khu học xá đặt trên đất nước bạn,
Bạn giúp đỡ ta nhiều, nhưng Khu học xá là một khu giáo dục có tính độc lập hoàn
toàn của người Việt Nam. Các đồng chí Trung Quốc cũng tỏ ra rất thương mến các
thanh niên, thiếu niên của ta, trai cũng như gái.
NHỚ VỀ KHU HỌC XÁ TW
Phần II
IV.
Trong những năm gần đây, nhiều cuộc họp của cán bộ,
công nhân, viên chức, thầy giáo, cô giáo và học sinh của Khu học xá
Trung ương được tổ chức. Gặp nhau là tay bắt mặt mừng đến
rơi nước mắt. Họ ôn lại những ngày ở Khu học xá Trung ương
và đều cảm nhận rằng đó là những ngày để lại nhiều kỷ niệm đẹp
trong đời mình. Tôi cũng vậy, trong quá trình công tác, có lẽ thời
gian ở Khu học xá là thời gian không những công tác đạt được
nhiều hiệu quả đáng bằng lòng mà cũng là thời gian đã để lại
nhiều kỷ niệm đẹp về bạn bè, đồng chí, về thế hệ trẻ.
Trong các cuộc gặp mặt, hầu hết các đồng chí đều có ý nghĩ rằng
chúng ta đã làm tròn nhiệm vụ Trung ương giao và đều tự hào
về kết quả đạt được là theo lời căn dặn của Bác Hồ: “Đoàn kết, học
tập, tiến bộ, phục vụ.” Khu học xá Trung ương cũng đã có đóng
góp đáng ghi nhớcho sự nghiệp xây dựng nền giáo dục chung của nước
nhà.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Khu học
xá Trung ương đã đào tạo và gửi về nước hàng trăm cán bộ giáo
dục. Những lớp giáo viên trẻ mới ra trường ấy, tuy còn rất bỡ ngỡ,
lại vừa được sống những năm có điều kiện vật chất đầy đủ,
không khí hòa bình, nhưng họ sẵn sàng nhận công tác bất cứ ở đâu.
Có thể nói, khẩu hiệu “Tam bất kỳ” lúc bấy giờđã được các giáo viên
trẻ tự giác chấp nhận (bây giờ nghĩ lại khẩu hiệu ấy,
có người có ý kiến này, có người có ý kiến khác). Họ được phân công về những
vùng mới giải phóng, có thể là vùng sau lưng địch, bốn bề bị giặc
vây. Họ cũng được phân công về vùng căn cứ Việt Bắc
v.v… Ở đâu, việc đầu tiên của họ là huy động được
học sinh đi học, giữ được học sinh chuyên cần, vì trong hoàn cảnh lúc
bấy giờ đâu phải thanh niên, thiếu niên đòi hỏi và sẵn sàng đến
lớp học tập chuyên cần? Nhà trường Khu học xá Trung ương đã trang bị cho đội
ngũ giáo viên trẻcác điều kiện để làm nhiệm vụ đầu
tiên đó: một quyển vở in (rômêô) các bài hát, một cái đàn, khả năng
tổ chức các trò chơi, cách tiếp xúc, vận động đồng bào cho con
em mình đến trường.Ở đâu họ cũng phải tự lực soạn chương
trình, cho thích hợp, sưu tầm các bài giảng, vì đâu có phải dễ để có được
chương trình và sách giáo khoa? Họ thường sử dụng các bài báo, chọn lọcđể có được
bài giảng văn… Ở đâu, nhất là ở vùng đang có chiến sự,
họ cũng phải chuẩn bị sẵn sàng tham gia đánh giặc cùng
các đội du kích. v.v… Chúng tôi, những người ở lại Khu học xá
trên đất bạn bình yên, rất xúc động khi được biết học trò của
mình vừa dạy học vừa đánh giặc như thế nào và thường hỏi nhau có
ai bị thương, ai hy sinh không; rất xúc động được biết các học
trò của mình, nhất là các cô giáo trẻ về những nơi hẻo lánh của rừng
núi Việt Bắc, sống chan hòa với đồng bào các dân tộc. Có lần đi
qua đèo Sài Hồ, lúc ấy cây cối còn rậm rạp, nhìn về những thung
lũng xa xa, nơi biết có những cô gái trẻ Khu học xá đang làm nhiệm vụ,
tôi rất bùi ngùi và thương mến vô cùng. Một số anh chị em ở Khu
học xá rất đỗi ngạc nhiên khi biếtđược những học trò của mình, mới ngày
nào còn ngồi trên ghế nhà trường, tập trung nghe giảng, chăm chỉ làm
bài, vui chơi trong giờ nghỉ như trẻ con, sống yên
bình đầy đủ, mà nay đã trở thành thầy giáo, cô giáo dũng cảm
bám trụ vị trí công tác, trong gian khổ và ác liệt, vững vàng
làm trách nhiệm của mình. Ở một số vùng, bà con vì thương mến đã
gọi là thầy giáo Cụ Hồ.
Sau hiệp định Giơnevơ, miền Bắc giải phóng, Khu học
xá đã chuẩn bị, theo chỉ thị của Trungương, một đoàn về nước
tham gia tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Do đó kinh nghiệm các anh chịem đó đã
tiếp quản các trường học một cách êm đẹp. Họ được anh chị em
giáo viên ở lại tín nhiệm và kính nể, vì họ có trình độ và đạo đức
cách mạng, làm theo lời Bác Hồ căn dặn vàđược chi viện nhiều giáo viên mới
tốt nghiệp sư phạm, Đoàn tiếp quản giáo dục Thủ đô đã nhanh
chóng mở lại trường học, góp phần sớm ổn định tình hình xã hội. Một
số cán bộ Khu học xá được cử giữ trách nhiệm chủ chốt
trong các cấp giáo dục của Hà Nội lúc bấy giờ, và cảnhững năm sau, cả ngày
nay nữa. Khu học xá đóng góp về cán bộ cho việc xây dựng nền
giáo dục phổ thông ở Hà Nội quả không nhỏ. Các địa
phương cũng vậy, các giáo viên ở Khu học xá tốt nghiệp sư phạm, được
phân công về, đã cùng với giáo viên trong nước tham gia tích cực vào việc
tiếp quản trường phổ thông ở địa phương, mở thêm trường lớp,
nhiều người trởthành cốt cán lãnh đạo ngành giáo dục địa phương. Cũng
cần nói thêm rằng, nhiều đồng chí ởKhu học xá Trung ương chỉ mới được đào
tạo dạy cấp I, cấp II, nhưng do có chí tiến thủ, nên sau khi về nước một
thời gian đã được tiếp tục học và hầu hết đã tốt nghiệp đại
học sư phạm và cao hơn.
Về xây dựng nền giáo dục đại học và đào
tạo cán bộ khoa học, Khu học xá Trung ương cũngđã có đóng
góp đáng kể. Thực dân Pháp rút đi, để lại các trường đại
học Luật, Y Dược, Khoa học (do Pháp quản lý) và các trường đại học Văn
Khoa, Cao đẳng sư phạm (do ngụy quyền Bảo Đại quản lý). Hầu hết
cán bộ giảng dạy và một số học sinh các trường cùng một số thiết
bị đã di chuyển vào Nam. Ở các vùng tự do, chúng ta có
Trường đại học Y ở Việt Bắc, Sưphạm cao cấp Khoa học xã hội ở Thanh
Hóa và Khoa học cơ bản, Sư Phạm cao cấp Khoa học tự nhiên ở Khu
học xá. Theo chỉ thị của Trung ương, chúng ta có điều động
hầu hết học sinh tốt nghiệp sư phạm cao cấp khóa thứ nhất về nước
vào giữa năm 1954. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, các đồng
chí đó đều được phân phối về Bộ giáo dục, về Hà Nội
và các địa phương để xây dựng ngành giáo dục phổ thông. Nhiều
người đã được đảm nhiệm công tác quản lý cốt cán và sau này nhiều
người trở thành cán bộ lãnh đạo ở các tỉnh, thành, Vụ,
Viện và Bộ giáo dục nữa. Địch rút đi. Ta ngừng hoạt động
trường đại học luật, về tiếp quản Đại học Y dược Hà Nội. Đối
với các trường đại học khác, Khu học xá đã cử cán bộ về tiếp
quản cùng các cán bộ trong nước. Và sau đó (vào cuối 1954 đầu
1955) chuyển toàn bộ thầy giáo Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp
về công tác trong nước. Các thầy giáo Khoa học cơ bản và Sưphạm cao cấp đảm
nhiệm hầu như toàn bộ các môn cơ bản về Toán, Lý, Hóa,
Sinh. Không những các thầy giáo Trường Khoa học cơ bản và Trường
Sư phạm cao cấp phải đảm nhiệm các chức vụ cốt cán mà còn phải dựa
vào sự tích lũy kinh nghiệm ở Khu học xá để soạn
chương trình, biên soạn giáo trình các môn cơ bản tự nhiên cho các
trường đại học Khoa học và Sư phạm.
Đến năm học 1956 – 1957, Chính phủ quyết định
thành lập các Trường Đại học Tổng hợp,Đại học Sư phạm, Đại học
Bách khoa, Đại học Nông nghiệp và Đại học Y dược. Ngoài Trường Đại
học Y dược vốn có đội ngũ cán bộ của nó, đội ngũ thầy
giáo về Khoa học tựnhiên của hai trường Đại học Tổng hợp và Đại
học Sư phạm được hình thành chủ yếu từ đội ngũ giảng dạy
của hai trường Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp của Khu học xá. Năm
1956 cũng là năm khóa thứ hai Sư phạm cao cấp (về nước học thêm
hai năm) tốt nghiệp. Hai trường Đại học Bách khoa và Đại học Nông
nghiệp hoàn toàn mới. Đại bộ phận học sinh tốt nghiệp Sư phạm
cao cấp được bổ sung làm lực lượng giảng dạy khoa học cơ bản tự nhiên ởhai
trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm, và làm cán bộ giảng
dạy đầu tiên ở Đại học Bách khoa và Đại học Nông nghiệp. Một
số này được đào tạo thêm trở thành cán bộ đầu ngành, kế tục
sự nghiệp các thầy giáo cũ. Đối với học sinh tốt nghiệp Khoa học
cơ bản (chỉtuyển một khóa ở Khu học xá), trừ một số ít
bổ sung làm cán bộ giảng dạy ở trường Đại học Tổng hợp,
phần lớn được chọn đi học tiếp ở Trung Quốc, Liên
Xô, Đức và sau này cũng trởthành cán bộ giảng dạy cốt cán ở các
trường đại học từ năm 1958 trở đi, nhiều người trở thành
cán bộ đầu ngành. Như thế là các thầy và trò của hai trường Khoa
học cơ bản và Sư phạm cao cấp (các môn khoa học tự nhiên) là những
cốt cán đầu tiên, là lực lượng giảng dạy đầu tiên ởcác trường đại
học đầu tiên ở nước ta (trừ Đại học Y dược), xây dựng nền tảng ở các
trườngđại học, góp phần đào tạo các lớp cán bộ khoa học kế tiếp,
một số đồng chí đã trở thành nhân tài khoa học của đất nước.
Khu
học xá Trung ương làm được nhiệm vụ Trung ương Đảng
giao cho và có đóng góp tích cực vào xây dựng nền giáo dục nước nhà là
vì ở Khu học xá đã xây dựng một mô hình nhà trường hoàn toàn mới
mà trước đó do hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh chiến tranh chưa xây dựngđược.
Khi còn công tác ở Khu ủy IV, tôi được phân công phụ trách
giáo dục và tuyên huấn, tôi có dịp làm quen với một số tài liệu về cải
cách giáo dục năm 1950. Nhờ đó có được một sốhiểu biết chung về nền
giáo dục của ta phải có tinh thần dân tộc, khoa học, đại chúng, nhưng cũng
chưa có dịp đi vào thực tế trường học. Sang Khu học xá, phải phụ trách
một số trường học, hằng ngày đụng chạm đến những vấn đề thực
tế của nhà trường, với nhiệm vụ Đảng giao cho, tôi suy nghĩ và
nhiều lần đem vấn đề ra trao đổi với một số đồng chí
trong Liên chi ủy và Ban giám đốc. Tuy không có hội thảo, đề tài
nghiên cứu khoa học, nhưng Liên chi ủy và Ban giám đốc lúc bấy giờ cũng
thống nhất một vài điều làm cơ sở đào tạo giáo dục để phổ biến
cho các trường, cho cán bộ Đảng và đoàn thể. Sau này, các nhà nghiên
cứu giáo dục gọi đó là vấn đề mục tiêu đào tạo của mỗi loại
trường học. Mọi người ở Khu học xá, nhất là các thầy giáo, cô giáo,
các cán bộ Đảng và Đoàn thể đều nhận thức được rằng, ngoài
trình độ khoa học, mỗi học sinh cần được giáo dục lòng yêu nước
nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, thương yêu nhân dân lao động và con em họ,
sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giành độc lập cho Tổ quốc,
vì lợi ích của nhân dân và con em họ, sẵn sàng giúp đỡ đồng chí và bạn
bè, có ý thức được rằng chủ nghĩa cá nhân là xấu. Các thầy giáo tương
lai cũng phải giáo dục cho con em nhân dân các phẩm chất đó thông qua nghề nghiệp
của mình. Từ những yêu cầu đó, chúng ta đã động viên mọi
người bàn về nội dung dạy các môn học phải cải tiến như thế nào ởtrường
Khoa học cơ bản, trường Sư phạm và phải rèn luyện nghiệp vụ như thế nào
cho các thầy tương lai. Cả hai mặt đó (khoa học cơ bản và nghiệp
vụ) ở Khu học xá đều được coi trọng. Để cải tiến
nội dung dạy học, các thầy giáo, cô giáo đã bàn bạc sôi nổi thế nào vừa
có kiến thức chính xác, khoa học, tiếp cận được với khoa học hiện đại,
vừa giáo dục được tưtưởng chính trị. Những thầy giáo, cô giáo Khu học
xá đã mạnh dạn rà soát lại các bài giảng, xem lại sách từ trong nước
mang sang. Ở trường Khoa học cơ bản thì cố gắng dịch sách của
nước ngoài, của Liên Xô, Trung Quốc, đặc biệt là các môn Sử, Văn và Chính
trị đã được bàn bạc sôi nổi nhất; có bài thầy phải lên lớp dạy thử cho đồng
nghiệp nghe và góp ý kiến. Môn nào, bài nào cũng “gắn” với giáo dục tư tưởng
chính trị, tuy có chỗ khiên cưỡng, nhưng đúng là Khu học xá đang
làm một việc mà trước đây chưa được đề cập rõ ràng, trực tiếp.
Về rèn luyện nghiệp vụ cho học sinh sư phạm, về lý luận
cũng như về kỹ năng, thực hành, Khu học xá đã có những cố gắng
nhất định. Các thầy giáo đã mạnh dạn biên soạn bài giảng về giáo
dục học, và sau khi đã dịch được các sách giáo dục học của Liên Xô (của
nhà giáo dục học Kairow), các thầy đã từng bước hoàn chỉnh giáo trình giáo
dục học của mình. Các thầy giáo về giáo dục học ở Khu học xá
Trung ương sau này về nước đã làm cốt cán, là thầy đầu tiên
của môn học này ở trường Đại học Sư phạm. Tất nhiên, trong
lý luận giáo dục ở Khu học xá lúc bấy giờ cũng như trong
giáo trình giáo dục học, có những điểm sau này coi như là không phù hợp,
nhưng chính từ Khu học xá Trung ương bắt đầu xây dựng lý luận
giáo dục. Để rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp, nhà
trường đã hướng dẫn học sinh soạn các bài mẫu cho điểm 5 bậc theo
kinh nghiệm Liên Xô (mà sau này cho là không thích hợp) và tổ chức các buổi
thực tập. Nhà trường cũng không quên giúp học sinh tập hát, tập đàn, tập
thể dục, tập múa, tập tổ chức các trò chơi v.v… Âm nhạc ở Khu
học xá tổ chức theo hướng phát huy nền âm nhạc dân tộc. Dần dần hình thành
trong các trường những buổi hoạt động ngoại khóa có tổchức, có hướng dẫn.
Chúng tôi đã thực hiện giáo dục như thế, từng bước giáo dục đức,
trí, thể, mỹ như thế. Thật ra, khái niệm giáo dục toàn diện, khi tiếp
cận với lý luận giáo dục học Xô viết và khi đã có những nhà nghiên cứu
giáo dục Việt Nam mới ngày càng sáng tỏ thêm. Nhưthế, từng bước
hình thành sự kết hợp giáo dục nội khóa và ngoại khóa. Giáo dục nội khóa
có tác dụng sâu sắc đã đành, nhưng các trường ở Khu học
xá đánh giá giáo dục ngoại khóa cũng không kém phần quan trọng. Giáo dục
ngoại khóa đều do học sinh tự quản lý, lấy chi đoàn Thanh niên cứu
quốc là nòng cốt. Mọi người đều biết rằng khi về nước công tác, học
sinh sẽgặp những hoàn cảnh phức tạp, không giống như khi học ở trường; để giúp
học sinh có thái độchủ động tìm ra các biện pháp xử lý trong các
tình huống khác nhau, nhà trường và đoàn thểrất chú ý phát huy tính chủ động,
tính độc lập suy nghĩ trong học sinh. Chính trong giờ hoạtđộng
ngoại khóa, trong các buổi sinh hoạt lớp và chi đoàn Thanh niên, và cả trong
những giờlên lớp, mỗi học sinh đều được tự do phát biểu, bày tỏ ý
kiến của mình, có ý kiến không phù hợp với đa số, với thầy… và
thái độ của đa số của tổ chức, của thầy giáo là hoặc
chấp nhận, hoặc phân tích có tình có lý, chứ ít khi dùng mệnh lệnh ép buộc.
Quan hệ giữa cá nhân và tập thể là như vậy, và quan hệ giữa
thầy và trò là như vậy. Tóm lại, những nét chung của mô hình nhà trường ở Khu
học xá là luôn luôn nâng cao trình độ tư tưởng và khoa học của mỗi
người, nắm vững và nhất quán về yêu cầu đào tạo giáo dục, là sự kết
hợp thầy và trò, nội khóa và ngoại khóa, cá nhân và tập thể, nhà trường và xã hội
của Khu học xá gắn liền với cuộc đấu tranh sôi nổi của toàn dân trong nước,
tạo nên một sức mạnh giáo dục có tính tổng hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng
bộ, của Ban giám đốc và sự chỉ đạo của các đoàn thể. Sau
này khi vềnước, các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ lãnh đạo Khu học
xá đã vận dụng nhiều kinh nghiệm của mô hình nhiều trường đó
và đã từng bước rút kinh nghiệm để hoàn thiện. Riêng bản thân
tôi, khi tham gia xây dựng trường Bắc Lý thành lá cờ đầu của ngành giáo dục
và trường tiên tiến khác. Tôi cũng nhờ có kinh nghiệm của Khu học xá
Trung ương, cố gắng chọn lọc và vận dụng theo thực tiễn và đường
lối giáo dục của Đảng.
Tóm lại, sự đóng góp của Khu học xá
Trung ương đối với trong nước, ngoài nước cung cấpđội ngũ cán bộ khoa
học và giáo dục, còn đóng góp cả về mặt lý luận và kinh nghiệm
thực tế trong việc tổ chức giáo dục.
V
Gần 40 năm đã trôi qua. Mỗi lần gặp nhau, thấy
nhiều người tóc đã bạc, đã có cháu nội cháu ngoại, và một số đã
mất. Điều đáng phấn khởi là nhiều người đã trở thành nhà
khoa học tựnhiên, nhà khoa học xã hội có tiếng, một số đồng
chí đã được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, có người trở thành
nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ có tên tuổi, có người được cử vào
Trungương Đảng, nhiều người được cử làm Bộ trưởng, Thứ trưởng
và các cơ quan quản lý nhà nước v.v… Nhưng nhiều hơn cả là học sinh
Khu học xá gặp nhau, hoặc trong những cuộc gặp giữa thầy trò cũng là tay bắt mặt
mừng đến chảy nước mắt và ai cũng cảm nhận khoảng thời gian ởKhu học
xá Trung ương là khoảng thời gian đẹp – nếu không nói là đẹp nhất
– và để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc. Kỷ niệm đẹp, sâu sắc đó
là gì nhỉ? Nhiều người đã tự hỏi như vậy. Phải chăng đó là
những tình, những nghĩa đã khắc sâu, bền vững trong tâm trí mỗi người, đã
trởthành bản chất và giá trị của mỗi người, đã trở thành lẽ sống
và sức mạnh của mỗi người trên bước đường đời sau khi rời Khu học xá.
Sao mà quên được tình nghĩa bạn bè, tình nghĩa đồng chí ở Khu
học xá, cùng nhau trút dòng tâm sự và nâng đỡ nhau tiến lên? Sao
mà quên được tình nghĩa giữa thầy giáo, cô giáo, cán bộ và học sinh tận
tình giúp đỡ nhau, không quản ngàyđêm, không quản tuổi già, sức khỏe, để cho
học trò của mình nên người? Mỗi lần có người lâm bệnh là cả Khu học xá biết
tin và lo lắng, thăm viếng, an ủi. Khu học xá là một tập thểtrong đó
quan hệ giữa người và người, dù ở lứa tuổi nào, ở cương
vị công tác nào, là quan hệthân ái, đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ nhau,
san sẻ tình cảm với nhau. Khu học xá cũng là nơi chúng ta đã từng
nhìn nhau xót xa khi được một tin không vui từ bên nhà đến, cũng
là nơi chúng ta nhảy lên hân hoan mỗi khi được tin chiến thắng từ trong
nước. Có lẽ ở đó, người nào trong chúng ta mà không có những người bạn
thân thiết nhất, không có những người thầy yêu mến nhất, không có những cán bộ đáng
kính, đáng yêu nhất. Ra đời, cuộc đời riêng của mỗi người biến
diễn có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn. Có thể trong những tình huống đó,
mỗi người đều nhớ đến Khu học xá để tăng thêm nghị lực.
Cũng có anh chị em tâm sự rằng, mỗi lúc gặp sự cám dỗ của
danh, vọng, quyền uy anh chị em đã nhớ đến những giá trị đã
tiếp nhậnđược ở Khu học xá và nhờ vậy mà đẩy lùi được
những ham muốn thấp hèn, cố gắng giữ cho mình được trong sạch. Đúng,
chính những giá trị đó, giá trị của tình, của nghĩa trong quan hệgiữa
người và người đã để lại cho mỗi chúng ta những kỷ niệm đẹp đẽ biết
bao.
Mong rằng những giá trị đó tồn tại mãi mãi trong
mỗi người “dân” Khu học xá Trung ương.
Hà Nội, 20 tháng 11 năm 1989
Các trí thức
nổi tiềng được mời sang giảng dạy tại Khu hoc xá.
ảnh có các vị : Lê Khả
Kế, Dương Trong Bái, Lê Thạc Cát, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Xiển, Nguy Như KonTum
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét