Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

NHững ngày trước khi " du học "















Lời giới thiệu bâi tiếp theo : Khóa Sư phạm đặc biệt Khu Học xá, với trên 140 giáo sinh, gồm con em cán bộ các tỉnh, các cơ quan Trung ương, học sinh Trường Sư Pham Trung ương ( thường gọi là Sư pham chợ Ngọc ), Sư phạm Việt Bắc, trường Thiếu sinh quân v.v.. Dưới đây la trích hồi kí của một giáo sinh thời đó cũng viết về học tập trước khi sang KHu Học Xá



NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG HỌC TẬP
TRƯỚC KHI SANG KHU HỌC XÁ CỦA TÔI
                                                                    Trần Công Thái
Năm học 1948 – 1949 tôi học lớp Đệ nhị trường Trung học Nguyễn Thái Học (Vĩnh Phúc). Quân Pháp đã mở rộng vùng chiếm đóng đến tận quê tôi (xã Tuân  Chính, huyện Vĩnh Tường) . Gia đình tôi phải ở trong vùng địch tạm chiếm. Tôi mất liên lạc với gia đình và rơi vào cảnh tiền hết gạo không, có lẽ phải bỏ học . Đang hoang mang thì có công văn của Bộ Giáo dục gửi về trường với nội dung : Bộ tuyển sinh cho lớp Sư phạm sơ cấp. Đối tượng tuyển sinh là các học sinh đang học các trường trung học thuộc 2 tỉnh: Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Tôi rất phấn khởi và xin trường cho đi học Trường Sư phạm đóng ở xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, một địa danh hoàn toàn xa lạ với tôi. Lại phân vân, lo lắng cách đi đường. Thôi thì khắc đi, khắc đến vừa đi vừa hỏi đường. Đến được trường thì một khó khăn mới nảy sinh, đó là tìm nơi ở trọ vì trường không có kí túc xá. Tôi phải sang thôn Đông Lĩnh mới có nhà cho trọ. May mắn làm sao, tôi gặp các bạn Hoàng Thăng, Kim Minh , Phạm Văn Đỗ cùng đi học. Tìm được nơi ăn, chốn ở, chúng tôi lên trường  ghi danh vào lớp. Tôi được xếp vào học lớp Đệ Nhị . Lớp tôi do anh Nguyễn Thế Cửu làm lớp trưởng. Tôi còn nhớ lớp tôi còn có các anh Nguyễn Đình Xưởng, Nguyễn Bảo Ngọc , Bùi Thành, Bá Oanh. Trường ngày ấy có tên là trường trung học kháng chiến do thầy Hoàng Ngọc Phách làm giám đốc .
Hai lớp Sư phạm sơ cấp chúng tôi được lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng nhưng không đủ ăn . Học sinh phải tự lo liệu thêm . Chúng tôi được học đầy đủ các môn và được các thầy, cô có tài, có đức giảng dạy như thầy Ngô Thúc Lanh, Dương Trọng Bái, cô Trân Thị Thục Viên, Lê Thị Nhu … Chúng tôi động viên nhau, cố gắng học tập trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gian khổ. Cơm ăn không đủ no , thức ăn chỉ là rau tầu bay (tự kiếm) luộc chấm nước sôi hòa muối, áo quần nâu sồng như các nhà sư . Thế mà sau giờ học, vẫn ca hát, văn nghệ, làm báo của lớp . Tôi có viết một bài với tiêu đề “Từ Vĩnh Phúc tới Phú Thọ” được các anh biên tập khen là viết hay, chân thật .
Năm học ở Đào Giã kết thúc. Nhà trường cho chúng tôi ghi lại địa chỉ và về nghỉ hè. Mọi người hối hả hồi hương. Phần tôi, quê nhà đang bị tạm chiếm, tôi đành phải về xã Quang Sơn (huyện Lập Thạch ), sống nhờ nhà bác tôi .Ở nhà bác, hàng ngày tôi đi làm đồng như một nông dân thực thụ , được mọi người khen. Ngày ấy trong làng có một cô gái tên là Xìn rất đẹp, mọi người đang gán ghép cho tôi thì tôi nhận được giấy báo về trường học. Địa điểm trường ở làng Nồi, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình (Tuyên Quang). Tôi quên ngay chuyện “vợ , con” , phấn khởi lên đường. Lần này , chúng tôi hẹn nhau cùng đi. Tất cả chờ nhau ở bến Then, đi đò dọc theo sông Lô ngược lên bến Đoan Hùng (Phú Thọ). Từ Đoan Hùng chúng tôi đi bộ lên trường .
Nhà trường đã có sự chuẩn bị trước với lãnh đạo địa phương nên việc ăn, ở của học sinh đã có nề nếp ngay. Lớp Đệ Nhị của tôi được phát một cái nồi 40, nấu ăn cho cả lớp mà vẫn vơi. Đây là những ngày đầu của năm học 1950 – 1951 tại địa điểm mới. Nơi trường đóng là các lán trại của tù binh Pháp. Các lớp học, các phòng ban của trường đã có nhà riêng biệt . Phòng học của lớp tôi khá rộng nhưng bốn bề chưa có liếp che. Chúng tôi phải lên rừng lấy nứa về làm liếp che chắn. Bàn ghế cũng bằng tre, vầu. Trường có 2 lớp 6, lớp tôi là 6A, còn 6B là lớp của các bạn ở lớp đệ nhất cũ chuyển lên ( cải cách giáo dục năm 1950 , hệ thống giáo dục phổ thông là 9 năm nên lớp Đệ Nhất và Đệ Nhị đều chuyển sang lớp 6 ). Lớp 6A của tôi ngày ấy có 7 nữ . Các bạn gái ở riêng một nhà, mỗi lần các bạn đến chơi , bọn chúng tôi lại nhộn nhịp hẳn lên như đón khách quý.
Tôi còn nhớ ngày ấy 6A có một số bạn nam rất ấn tượng . Bạn Mộng Châu với cây đàn guitare học giỏi, đàn ngọt, hát hay. Trần Ích với cây đàn Alto Banjo có dáng như một văn nhân nho nhã. Vĩnh Long học giỏi là cựu đội viên Đoàn Thiếu nhi Nghệ thuật do anh Lưu Hữu Phước lãnh đạo . Bạn Long rất giỏi nhạc lý.
Lớp chúng tôi sống vui lắm. Trong một lần sinh hoạt lớp, bạn Bùi Thi Phúc kể môt câu chuyện về bác Hồ bị phê bình là chủ quan. Đại ý là : Một lần đi công tác phải lội qua suối, anh em bảo vệ xúm vào cõng bác, Bác không nghe cứ tự lội suối. Ra giữa dòng, do chơn, Bác ngã bị ướt hết. Anh em sợ quá, đõ Bác dậy và phê bình : tại Bác chủ quan. Bạn Phúc có một qui định là : hễ kể đến một từ Bác, thì cả lớp phải hô to : Muôn năm ! Muôn năm ! Muôn năm !. Thế là nghe chuyện có 7 lần bạn Phúc nói đến từ Bác, là 7 lần cả lớp hô ứng “Muôn năm!” vang động cả núi rừng.
Nguyễn Thành Các với tôi rất thân thiết, chia nhau từng miếng ăn, thức uống. Tôi mang được một cái chăn sui từ Lập Thạch lên. Hai đứa cùng đắp. Trời rét như cắt. Chăn sui xấu xí nhưng cũng giúp 2 đứa co quắp ôm nhau, người cùng được ấm lên. Khi tôi bị sốt rét, người run bần bật, Các bạn đắp cho mấy cái chăn cũng chẳng ăn thua gì, lại còn khát nước khô cả cổ họng. Thế là bạn Các và các bạn xung quanh cho uống nước ưng ực từng bát mà vẫn không hết khát…                                                      
Thời gian trôi nhanh, qua Tết Nguyên đán Tân Mão (1951) và kết thúc năm học. Cuộc sống tuy vẫn rất gian khổ, vẫn đói ăn, đói mặc song toàn lớp đoàn kết và hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Chúng tôi tạm biệt nhau về nghỉ hè. Hết hè lên trường, tôi được biết trường sẽ chuyển sang Trung Quốc, tôi rất mừng . Anh Nguyễn Đức Minh làm trưởng ban di chuyển. Học sinh toàn trường lúc đó lần lượt lên đường sang nước bạn .
Từ đây, cuộc sống dổi mới hoàn toàn…

 
( doan ngắn sau bị mờ xin thông cảm)

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét